Nhiều người livestream bán hàng ẩn danh, ngành thuế rốt ráo rà soát

07/08/2024 19:42 GMT+7

Thời gian qua, nhiều phiên livestream bán hàng có doanh thu cả trăm tỉ đồng, song việc quản lý thuế thương mại điện tử không đơn giản. Ngành thuế sẽ đẩy mạnh rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý.

Có cá nhân không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), livestream là một trong những hình thức quảng cáo sản phẩm và bán hàng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng khá phổ biến, rộng rãi thời gian gần đây để hỗ trợ việc kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT...

Các chủ thể tham gia hoạt động livestream gồm: tổ chức, cá nhân livestream bán hàng hóa của chính mình; cá nhân livestream bán hàng hóa để hưởng hoa hồng từ hoạt động quảng cáo.

Nhiều người livestream bán hàng ẩn danh, ngành thuế rốt ráo rà soát- Ảnh 1.

Thời gian tới, toàn ngành thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau

CTV

Thời gian qua, bên cạnh nhiều tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã tuân thủ quy định pháp luật thuế, vẫn còn một số trường hợp tổ chức, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ kê khai, đăng ký và nộp thuế đầy đủ, kịp thời.

Nhiều thách thức trong công tác quản lý được cơ quan thuế chỉ ra như việc định danh, xác thực cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động TMĐT, đặc biệt là hoạt động livestream bán hàng. Lý do, người nộp thuế trong hoạt động này có tính ẩn danh cao; có trường hợp cá nhân không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, không có địa điểm kinh doanh cố định.

Tổng cục Thuế cũng đề cập khía cạnh việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương về hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... của người nộp thuế đang trong quá trình triển khai để định danh, xác thực các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.

Cơ sở dữ liệu TMĐT cần được tiếp tục quan tâm rà soát, thu thập, làm giàu từ nhiều nguồn như dữ liệu từ các nền tảng kinh doanh TMĐT, dữ liệu từ các đơn vị vận chuyển, dữ liệu từ các bộ, ngành liên quan... một cách thường xuyên, liên tục phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như quản lý thuế một cách kịp thời.

Rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý

Nhấn mạnh tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động TMĐT, điển hình như thời gian qua đã có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục lên tới 100 - 150 tỉ đồng, song Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc đánh giá, việc quản lý thuế TMĐT vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tính tuân thủ của người nộp thuế chưa cao.

Ngoài ra, vị này nhắc tới yếu tố nhiều hình thức bán hàng online đang thu tiền trực tiếp qua shipper khiến cơ quan thuế khó có thể quản lý được dòng tiền.

Góc độ khác, theo bà Lý Thị Hoài Hương, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), nhiều cá nhân kinh doanh TMĐT chưa kê khai và nộp thuế cũng có thể xuất phát từ việc họ chưa nắm rõ quy định.

"Nhiều lực lượng trẻ khi tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT chưa hiểu biết hết, công tác tuyên truyền cũng chưa đến được hết người kinh doanh", bà Hương lý giải rõ hơn.

Tăng cường quản lý thuế với TMĐT nói chung, hoạt động livestream bán hàng nói riêng, thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.

Đáng chú ý, toàn ngành thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn: thông tin do sàn cung cấp; thông tin do các nhà cung cấp nước ngoài là chủ các nền tảng xuyên biên giới cung cấp; thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên internet; thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ, ngành.

Trên cơ sở đó, thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng nhắc tới giải pháp xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT; theo đó áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.

Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT nói chung, kinh doanh theo hình thức livestream nói riêng; doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh TMĐT; các đơn vị vận chuyển; trung gian thanh toán...

Nhấn mạnh kinh doanh TMĐT cần tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ thuế, tránh trốn thuế, theo bà Cúc: "Việc này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, nhãn hàng, sàn TMĐT mà còn ảnh hưởng tới số thu ngân sách nhà nước. Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.