Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát tháng 8 tăng 0,83% so với tháng 7. Tuy nhiên, nếu so với tháng 8.2012 thì CPI tăng 7,5%, còn so với tháng 12.2012 CPI tăng 3,53% và tính bình quân 8 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012 CPI tăng 6,9%.
|
Cơ quan quản lý: vẫn an toàn
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giải thích, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,83% so với tháng trước nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của TP.Hà Nội, làm chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,23%. Ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng trong tháng 6 và tháng 7 làm chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 2,5% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,1%.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhìn nhận trong tháng này Cục đã nhìn thấy sự tăng giá cao hơn so với các tháng trước bởi tác động của đợt điều chỉnh giá xăng, giá điện. Tuy nhiên, nó vẫn trong vòng kiểm soát. Duy chỉ có giá dịch vụ y tế là có tác động lớn, nhưng mức giá này do các địa phương được phép tăng. Rút kinh nghiệm của thời điểm tháng 9.2012, khi mà đồng loạt các địa phương tăng giá dịch vụ y tế, lại rơi vào đúng thời điểm khai giảng năm học mới, nên năm đó CPI tăng vọt lên hơn 2%. Chính vì vậy, lần này để kiểm soát tốt lạm phát ở mục tiêu 6-7% như đề ra, trước khi tăng giá các bộ, ngành, địa phương phải gửi phương án về Bộ Tài chính, qua đó Bộ sẽ kiểm soát để cân nhắc thời điểm, lộ trình hợp lý, tránh dồn cục. Từ nay đến cuối năm, chỉ còn TP.HCM chưa tăng giá dịch vụ y tế, nếu có tăng thì theo ông Tuấn cũng không tác động quá lớn tới CPI chung của cả nước.
Về dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, ông Tuấn nói dù CPI sau 8 tháng vẫn có một khoảng cách an toàn đến mục tiêu cả năm, nhưng không thể lơ là chủ quan, bởi trong cơ cấu tính CPI vẫn luôn có những mặt hàng mang lại yếu tố khách quan bất ngờ. Đơn cử như mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm tới gần 40% tỷ trọng trong rổ hàng hóa, nếu có những diễn biến bất lợi về thời tiết như mưa, bão, thiên tai làm tăng giá các mặt hàng này. Ngoài ra, giá dầu thô cũng là mặt hàng khó dự báo, có tác động lớn tới giá xăng, và gián tiếp tác động tới lĩnh vực khác, đặc biệt là sản xuất.
Chuyên gia: khó giữ chỉ tiêu
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, khẳng định kiềm giữ lạm phát cả năm khó đạt chỉ tiêu mà sẽ ở khoảng 7,3 - 9,6%. Thông thường lạm phát của các năm giảm vào cuối quý 1 và tăng lại cuối quý 3. Nhưng năm nay, lạm phát đã tăng trở lại từ rất sớm, vào tháng 6; mức tăng của mỗi tháng là gấp đôi so với tháng trước. Những tháng cuối năm, lạm phát chỉ có tăng, chứ không thể kéo xuống thấp, và không thể nào âm, nên mục tiêu CPI năm nay 6 - 6,5% là điều không thể.
Cùng nhận định, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, lạm phát tháng 8 tăng cao là không lạ bởi trước đó giá xăng, điện, dịch vụ y tế và giáo dục đều đã tăng. Cho dù, mới đây dưới áp lực của dư luận xã hội về việc kinh doanh xăng dầu thu lãi lớn, giá xăng đã giảm 300 đồng/lít nhưng không có tác động gì mấy đến CPI những tháng tới. Chưa kể, việc tăng giá điện lần mới đây nhất có thể khiến lạm phát tăng những tháng cuối năm. Cho nên, chỉ tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 7% là không thể nhưng cũng khó bùng lên 2 con số.
Theo TS Phong, lạm phát từ nay đến cuối năm diễn biến như thế nào đều dựa vào chính sách kinh tế vĩ mô. Muốn ổn định lạm phát ở mức dưới hai con số, cần tập trung vào kiểm soát đầu cơ, kiểm soát giá các mặt hàng độc quyền, tránh bội chi ngân sách và phải điều phối tốt các mặt hàng thiết yếu. Trong đó, kiểm soát đầu cơ và kiểm soát giá các mặt hàng độc quyền là quan trọng nhất. Đừng để xảy ra việc cộng hưởng tăng giá cùng lúc nhiều mặt hàng như thời gian vừa qua (điện, xăng dầu), đồng thời phải kiểm toán được chi phí, vốn là nguyên nhân chính khiến tăng giá xăng dầu, điện. Về lâu dài, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nới lỏng tài chính. Điều này có thể đẩy lạm phát tăng nhưng cũng làm tăng thu nhập cho người dân, hàng hóa bán ra nhiều hơn, giúp tăng thu ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội khiến giảm áp lực lạm phát.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng phân tích, để kiềm giữ lạm phát ổn định vấn đề cốt lõi cho dài hạn là phải tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt đối với những khu vực là tác nhân chính gây ra lạm phát: doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần kiểm soát chặt chẽ giá cả một số mặt hàng quan trọng là điện, xăng dầu và các dịch vụ do nhà nước cung cấp (y tế, giáo dục). “Chính sách của Chính phủ không được thực hiện đồng bộ, bởi vừa muốn kiềm chế lạm phát nhưng lại chấp nhận cho một số ngành tăng giá. Điều này giống như một người có hai tay, trong lúc tay này kéo lại còn tay kia lại đẩy ra”, bà Lan phân tích.
Thịt, trứng đều tăng giá Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, từ ngày 18.8 giá heo hơi bắt đầu tăng so với trước đó và kéo dài đến nay. Nếu so đầu tháng 8.2013, giá heo hơi hiện tăng 1.500 đồng/kg, đẩy giá heo hơi loại 1 lên 44.500 đồng/kg, loại 2 lên 42.500 đồng/kg. Vì thế, giá thịt heo cũng tăng. Cụ thể, thịt heo mảnh tăng 7.000 - 8.000 đồng/kg, đẩy giá thịt loại 1 lên 60.000 - 61.000 đồng/kg, loại 2 lên 56.000 - 57.000 đồng/kg. Một số loại thịt heo pha lóc cũng tăng khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg, thịt nạc dăm tăng 10.000 đồng/kg, lên 68.000 đồng, thịt đùi tăng 7.000 đồng, lên 60.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo cũng đang rục rịch tăng giá. Đại diện Ban Vật giá Sở Tài chính TP.HCM, xác nhận có nhận được đề nghị điều chỉnh tăng giá thịt heo bình ổn thị trường nhưng chưa đồng ý cho tăng. Bên cạnh đó, giá trứng gia cầm đang tăng khá mạnh, khoảng 3.000 - 4.000 đồng/hộp. Giá trứng gà khoảng 28.000 đồng/hộp, trứng vịt khoảng 37.000 - 38.000 đồng/hộp, cao hơn trứng gia cầm bình ổn thị trường khoảng 3.000 - 5.000 đồng/hộp. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho rằng do nhu cầu dùng trứng sản xuất bánh trung thu, miền Bắc, miền Trung mưa bão nên hút hàng, dẫn đến giá trứng gia cầm tăng mang tính mùa vụ. Hoàng Việt |
N.Trần Tâm
>> Không dễ kiềm chế lạm phát dưới 6%
>> Chính phủ họp thường kỳ tháng 6: Lạm phát không còn là mối lo ngại lớn
>> 2013: Lạm phát thấp, tăng trưởng phải cao hơn
>> Năm 2013 lạm phát phải thấp hơn 6,8%
Bình luận (0)