Lo ngại biến chủng Delta lây qua người đã tiêm vắc xin

Bảo Vinh
Bảo Vinh
09/07/2021 06:33 GMT+7

Các chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ cảnh báo nguy cơ những người đã được tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể lây lan biến chủng Delta cho người chưa tiêm.

Số ca nhiễm Covid-19 đang tăng lên nhanh chóng tại Mỹ trong lúc biến chủng Delta trở thành tác nhân chính và việc tiêm phòng bị chậm lại.

Bỏ sót chuỗi lây nhiễm

AFP hôm qua dẫn số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho thấy số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày tại Mỹ trong vòng 1 tuần tính đến ngày 6.7 là 13.859 ca, cao hơn 21% so với 2 tuần trước đó. Biến chủng Delta, với khả năng lây lan mạnh hơn các biến chủng khác, chiếm khoảng 52% ca nhiễm mới trong 2 tuần tính đến ngày 3.7 và ước tính chiếm 60% tổng số ca nhiễm từ đầu dịch.

Lo ngại biến thể Delta Covid-19 qua người đã tiêm chủng

Rủi ro việc sớm mở cửa

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua cảnh báo các nước nên cực kỳ cẩn trọng khi cân nhắc dỡ bỏ các quy định phòng dịch Covid-19, vì tỷ lệ tiêm chủng cao cũng không ngăn chặn sự lây lan vi rút. Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, cho rằng sự nhiễm sẽ gia tăng khi mở cửa vì các nước chưa tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân và vẫn chưa chắc mức độ bảo vệ của vắc xin trước nguy cơ bị nhiễm bệnh và lây cho người khác. Theo AFP, phát biểu được đưa ra khi Anh có kế hoạch tái mở cửa ngay cả khi số ca nhiễm đang tăng lại, dù nước này cũng như Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Ông Ryan cho rằng các nước cần tuân theo số liệu và chuẩn bị phương án đề phòng trong trường hợp việc mở cửa dẫn đến kết quả tiêu cực. Ông đặc biệt cảnh báo việc mở cửa tại các nước có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp và đang đối mặt với biến chủng lây lan mạnh vì đó là sự “kết hợp độc hại” phải tuyệt đối tránh.
Trang Business Insider dẫn lời chuyên gia Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington, cho rằng có thể Mỹ đã bỏ sót chuỗi lây nhiễm từ những người đã tiêm vắc xin, do CDC không khuyến cáo xét nghiệm nhóm này trừ khi họ có biểu hiện triệu chứng.
Vắc xin không ngăn chặn hoàn toàn việc nhiễm bệnh, mà chủ yếu là ngăn ngừa bệnh nhân biểu hiện triệu chứng, nhập viện hoặc tử vong, ngay cả đối với người nhiễm biến chủng Delta. Do đó, những người được tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ bị nhiễm và do không biểu hiện triệu chứng nên họ không biết và vô tình trở thành người lây lan âm thầm cho những người khác.
Chuyên gia Murray nói đang điều tra các điểm bùng phát Covid-19 trong các nhóm cư dân có tỷ lệ tiêm chủng đến hơn 90%. Tuy nhiên, ông tuyên bố tồn tại thực tế SARS-CoV-2 đang lây lan trong nhóm cư dân đó.
Một số chuyên gia khác đã kêu gọi nhà chức trách điều chỉnh lại chính sách để xét nghiệm những người đã tiêm chủng, nhằm đảm bảo không bỏ sót ca bệnh vì biến chủng Delta.

Khẩu trang phát hiện COVID-19 mô phỏng xét nghiệm chính xác

Kết hợp vắc xin và khẩu trang

Theo mô hình phân tích của IHME, tổ chức được Nhà Trắng tham vấn từ đầu dịch, có 14 bang chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại và đó đều là những nơi người dân hầu như ngừng hết các biện pháp phòng ngừa và không còn đeo khẩu trang. Ông Murray cho biết sự kết hợp giữa việc tiêm chủng và tiếp tục đeo khẩu trang có thể ngăn chặn đà lây lan của biến chủng Delta.
Tại những vùng có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp ở Trung Tây và miền Nam, số ca nhiễm cao hơn so với các vùng có tỷ lệ tiêm chủng cao ở Đông Bắc, và xu hướng này ngày càng rõ rệt trong vài tuần qua. Tại Missouri, số ca nhập viện vì Covid-19 đã tăng gấp 3 lần trong tháng 6 và có bệnh viện ghi nhận 99,5% ca tử vong trong 6 tháng qua đều là người chưa tiêm vắc xin, theo tờ USA Today.
Giới chuyên gia Mỹ kêu gọi đẩy mạnh tiêm phòng trong bối cảnh tốc độ tiêm tại nước này chậm lại dù có nguồn cung dồi dào. Tính đến nay, có 67% người trưởng thành tại Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều trong khi số người được tiêm đủ liều chiếm 47,6% dân số. Theo nghiên cứu của Đại học Yale và Quỹ Thịnh vượng chung, chương trình tiêm chủng đã ngăn khoảng 279.000 ca tử vong và 1,25 triệu ca nhập viện tại Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.