DN dùng đến đồng dự trữ cuối cùng
Cho ý kiến thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội (KTXH) do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh cho biết nợ xấu có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo, tính đến ngày 25.4, tín dụng chỉ tăng 2,75%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN), nền kinh tế tiếp tục khó khăn.
Lãi suất cao khiến DN không muốn vay, mặt khác DN gặp khó về đơn hàng đầu ra nên cũng không vay. Mặt bằng lãi suất cho vay tăng mạnh trong năm 2022 và vẫn còn duy trì ở mức cao trong quý 1/2023. Tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 3 là 2,88% (cuối năm 2022 là 2,05%). Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng/nợ xấu bình quân toàn hệ thống là 80,8% (cuối năm 2022 là 114,2%).
Đáng chú ý, trong bối cảnh DN gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021. Đơn cử năm 2022 Vietcombank dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 37.000 tỉ đồng, tiếp theo là Techcombank (hơn 25.500 tỉ đồng), BIDV (hơn 23.000 tỉ đồng), MB (gần 23.000 tỉ đồng).
Thẳng thắn chỉ rõ báo cáo "có cảm giác rất nhiều màu hồng", Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương cho rằng phần phân tích tồn tại, hạn chế và nguyên nhân không rõ. Theo ông, cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước. Không phải đến quý 1 tăng trưởng mới giảm đột ngột từ 8,2% xuống 3,3% mà cuối quý 3, đầu quý 4/2022 đã có xu hướng giảm.
"Báo cáo của Chính phủ là tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, nhưng khẳng định của UBKT là tăng trưởng rất thấp so với chỉ tiêu và khả năng của nền kinh tế", ông Phương nói và cho rằng cần xem lại sở hữu chéo, "sân sau" của ngân hàng là các DN thân thuộc, kể cả các ngân hàng thương mại.
Cũng theo Phó chủ tịch QH, nền kinh tế VN độ mở cao, nhưng nếu bên trong tốt thì giảm thiểu được tác động bên ngoài. Song thực tế DN, người dân bị bào mòn sức lực. "Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, DN nói rất thẳng thắn. Họ đã dùng những đồng dự trữ cuối cùng để trang trải cho 2 năm vừa rồi, giờ thì không còn dư địa để làm", ông Phương nêu.
Nguyên nhân tình trạng trên do chậm giải quyết các tồn tại như cơ cấu lại ngân hàng yếu kém, dự án yếu kém, đầu tư công, phản ứng chính sách không kịp thời; cần kiểm tra lại xem có cực đoan không, tức là nhảy từ thái cực này sang thái cực khác không. Người dân phản ánh ví dụ như tiêu chí định mức PCCC, kiểm định xe, trái phiếu DN và một số vấn đề khác…
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chỉ rõ phần yếu kém trong báo cáo chỉ nêu chung chung, đánh giá chưa sát. Ông dẫn ra ví dụ dự toán ngân sách hằng năm quá thấp, vô hình trung tự mình bó hẹp không gian tài khóa. "Dự toán ngân sách vượt 400.000 tỉ đồng, gần 20 tỉ USD. "Bệnh" này mấy năm rồi không khắc phục được và có phần trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thẩm tra của QH. Vượt thì mừng, nhưng lo là quy trình ngân sách có vấn đề. Các nước họ thảo luận ngân sách mất vài tháng chứ không phải vài buổi rồi thông qua như chúng ta", Chủ tịch QH nêu.
Dù vậy, theo Chủ tịch QH, điểm sáng trong điều hành là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và lạm phát. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều cú sốc cả trong và ngoài.
Phiên họp thứ 23 là phiên cuối chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 của QH dự kiến khai mạc ngày 22.5. Trong khuôn khổ 4 ngày, Ủy ban Thường vụ QH xem xét cho ý kiến về 13 nội dung lớn dự kiến trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 5. Thường vụ QH sẽ xem xét, cho ý kiến vào 3 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, xem xét đề nghị xây dựng dự án luật Chuyển đổi giới tính.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ đều phấn đấu trình QH xem xét, quyết định nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 - chính sách đặc thù cho TP.HCM ngay tại kỳ họp thứ 5. Dù thời điểm sớm hơn thời hạn hết hiệu lực của Nghị quyết 54, song với vai trò đầu tàu cho cả nước, yêu cầu phục hồi, phát triển KTXH rất quan trọng.
Lạm phát3,15% năm 2022, theo Chủ tịch QH, là điểm sáng nhưng theo các chuyên gia "điều hành quá chặt", bỏ lỡ nhiều cơ hội điều chỉnh dịch vụ công. Đặc biệt, việc điều hành chính sách tiền tệ còn chậm, nới "room" tín dụng quá muộn khi chỉ còn mười mấy ngày hết năm 2022. Hệ quả là không dùng hết "room" tín dụng mở ra và không dùng hết "room" tín dụng cũ, cho thấy phản ứng chính sách thiếu nhạy bén, cần suy nghĩ để rút kinh nghiệm điều hành.
Dẫn ra một số chỉ số lớn của kinh tế 4 tháng đầu năm giảm sút, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng điều này cho thấy các thị trường đang vướng mắc, DN, người dân đang khó khăn. Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp tập trung. Ví dụ quy hoạch còn tắc, kế hoạch sử dụng đất vướng và chậm 4 tháng so với nghị quyết của QH, thì làm sao có dự án đầu tư được, giải pháp thế nào? Quy hoạch tỉnh chưa phê duyệt thì làm sao DN làm được? Do đó cần tập trung vào các giải pháp mà nghị quyết của QH đã có, T.Ư đã có.
Địa phương "đứng bóng" không làm gì
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ ngoài khó khăn bên ngoài còn đến từ nội tại như tâm lý thị trường, niềm tin xã hội và tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp. Ông dẫn ví dụ, năm 2022 TP.HCM gửi Bộ KH-ĐT 584 văn bản, bộ đã trả lời 604 văn bản, trong khi các nội dung này đều thuộc thẩm quyền của TP.HCM.
"Đó là hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá lên xong lại ngồi chờ, tức là không làm gì. Giai đoạn 2018 - 2021, TP.HCM cấp trung bình 1 năm khoảng 70 dự án bất động sản. Nhưng trong 2 năm vừa qua TP.HCM cấp có 8 dự án, hầu như "đứng bóng" hết, không làm. Đấy là vấn đề lớn nhất, cán bộ, các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy, lẩn tránh không làm", ông Dũng nói.
Ngân hàng Nhà nước được can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt
Chiều 9.5, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 13 chương, 195 điều. Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay mục tiêu xây dựng luật này là có quy định để kịp thời xử lý khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản, cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Điều 191 dự thảo luật bổ sung quy định mới về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được quyền "điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng" và "Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật". Cho ý kiến, UBKT đề nghị rà soát quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát để tương ứng với thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung, sửa đổi quy định về việc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước "can thiệp sớm" và bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp can thiệp sớm. Trong đó, một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước "can thiệp sớm". Ngân hàng nào có lỗ lũy kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này.
Nói về khó khăn của DN, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết có nhiều vấn đề, nhất là dòng tiền. Lý do điều hành tín dụng có vấn đề, "lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá nên các DN rất khó khăn". Đặc biệt, nhiều DN lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán và bán có 50% giá thực. "Người mua toàn là nước ngoài. Câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần là người mua nước ngoài rất nguy hiểm, nhất là đối với các DN mà chúng ta cần giữ, hỗ trợ", ông Dũng nêu.
Bên cạnh đó, các thủ tục đầu tư hiện nay không làm hoặc mất 2 năm mới giải quyết được một vấn đề, có cái mất 1 năm. Các DN không thể làm gì, kinh tế khó khăn như thế nhưng tinh thần giải quyết công việc không có, do vậy rất khó. Môi trường đầu tư rất kém. Dù đấu tranh mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh, các loại kinh doanh có điều kiện, nhưng hiện nay các văn bản của bộ, ngành, địa phương cho thấy đã phát sinh hàng nghìn thủ tục.
Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng bày tỏ lo ngại mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm "rất thách thức", các quý sau phải tăng trưởng xấp xỉ quanh 8%, đây là việc rất khó. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu này để phấn đấu.
Bình luận (0)