Lo ngại 'núp bóng', lợi dụng chính sách đặc thù ở Khu kinh tế Vân Phong

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/05/2022 18:48 GMT+7

Với các chính sách đặc thù cho các dự án thuộc lĩnh vực không thiết yếu như sân golf, khu đô thị, hay cho phép chuyển nhượng dự án trong thời gian ngắn ở Khu đô thị Vân Phong (Khánh Hòa), nhiều đại biểu lo ngại xảy ra tình trạng "núp bóng", lợi dụng chính sách.

Chiều 24.5, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu Phạm Văn Hòa

gia hân

Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thí điểm 11 chính sách khác nhau cho tỉnh Khánh Hòa.

Trong đó, bên cạnh chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, điều chỉnh cục bộ quy hoạch hay quản lý đất đai như một số tỉnh thành trước đó, Chính phủ trình nhiều chính sách đặc thù để giúp Khánh Hòa thu hút các nhà đầu tư chiến lược tại Khu kinh tế Vân Phong.

Thảo luận tại tổ chiều 24.5, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), cho rằng không nên đưa ra các chính sách ưu đãi với các lĩnh vực đầu tư không thiết yếu, như vào sân golf, khu đô thị, trung tâm thương mại… để thu hút đầu tư vào Vân Phong.

Ông Hòa nêu ví dụ, nếu đưa ra chính sách ưu đãi cho đầu tư vào sân golf không khéo nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế rồi, lại đem bán đất để thu lời mà vẫn giàu to, đất mất, mà nhà nước thu tiền không được bao nhiêu.

“Là nhà đầu tư chiến lược nhưng nếu dự án không trong diện Chính phủ ưu đãi đầu tư thì không được hưởng ưu đãi, dù thí điểm cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà”, đại biểu Đồng Tháp nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cũng băn khoăn về chính sách ưu đãi đầu tư cho xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại tại Khu kinh tế Vân Phong.

Theo ông, ngay cả khi không có chính sách ưu đãi gì thì việc đầu tư khu đô thị, trung tâm thương mại cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Ông Hiếu đề nghị Chính phủ cần giải thích rõ hơn để tăng tính thuyết phục, vì “nguồn lực đầu tư có hạn, nên chắt chiu để tăng thu hút vào lĩnh vực, ngành nghề đúng, trúng”.

Bà Vũ Thị Lưu Mai thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa

gia hân

Về vấn đề này, khi thẩm tra dự thảo nghị quyết của Chính phủ, một số thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng bày tỏ băn khoăn. Một số ý kiến của cơ quan thẩm tra đề nghị chưa quy định chính sách đầu tư cho xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, sân golf trong Khu kinh tế Vân Phong vì đây không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Theo dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình, nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong 3 - 5 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ông Phạm Văn Hoà cho rằng, thời hạn đưa ra như vậy là quá ngắn, dễ dẫn tới hệ luỵ nhà đầu tư không đầu tư thực mà chỉ có ý định “chiếm đất, bán sang tay”. Ông đề nghị thời hạn cấm chuyển nhượng dự án nên dài hơn và có chế tài xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm.

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, khi trình bày báo cáo thẩm tra cũng nhận định, thời hạn không được chuyển nhượng dự án trong 3 - 5 năm là ngắn, dễ dẫn tới lợi dụng chính sách để đầu tư "núp bóng".

Thời hạn này chưa bảo đảm yêu cầu gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất nhà đầu tư chiến lược; đặc biệt, cần tính đến yếu tố bảo đảm an ninh kinh tế, nhạy cảm quốc phòng.

Bà Mai cho biết, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định rõ việc nếu nhà đầu tư chiến lược không triển khai thực hiện theo các quy định của luật Đầu tư, luật Đất đai và các quy định pháp luật khác thì sẽ phải thu hồi dự án và chịu các chế tài khác theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.