Tại buổi họp báo về tình hình triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông của Bộ GTVT sáng nay, 26.9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc thu phí cao tốc hiện còn nhiều quan điểm, mô hình các nước cũng khác nhau. Chẳng hạn tại Anh không thu phí, song Nhật vẫn thu phí cao tốc.
“Chúng ta chưa quy định đồng bộ, hiện vẫn hiểu đã đầu tư bằng ngân sách sẽ không thu phí, nhưng thực tế, nguồn lực đầu tư nhà nước có hạn, thu thuế cũng có hạn, chỉ đầu tư được quốc lộ cơ bản. Giống như bệnh viện, nhà nước đầu tư hệ cơ bản, còn muốn cao hơn thì tư nhân đầu tư và phải bỏ phí nhiều hơn”, ông Đông nói, và cho rằng cao tốc là đường có tính thương mại cao, an toàn, cạnh tranh hơn, nên người sử dụng phải trả tiền cho việc đó, còn không bỏ tiền thì đi đường khác, như QL1.
Các dự án đối tác công tư (PPP) thì nhà nước vẫn đóng góp, vẫn là thuế của dân, phần nhà đầu tư đưa vào thì thu hồi, còn đường của nhà nước mãi mãi. Hiện, dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã bổ sung đường cao tốc sẽ thu phí.
“Khi chúng ta làm đường Nhật Tân - Nội Bài, JICA đã nói cần thu phí để có tiền bảo trì đường đó tốt hơn. Nên thu phí là để lấy tiền đầu tư đường khác, nếu không, bước đi của ta sẽ chậm hơn, huy động nguồn lực sẽ khó khăn hơn”, Thứ trưởng Đông nói.
Trên thực tế, khi hình thành Quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí bằng ngân sách đã được xoá bỏ, vì thế, nhiều ý kiến cho rằng thu phí trên các tuyến cao tốc do ngân sách đầu tư sẽ sinh ra phí chồng phí. Trước vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, hiện phí bảo trì đường bộ các xe đang đóng hàng năm là thu để bảo trì cho toàn bộ các đường khác nhau, gồm đường xã, thôn, tỉnh, huyện; có nước thu qua xăng dầu, có nước thu theo tải trọng xe.
“Việc thu phí này là cả mạng lưới đường, còn anh đi cao tốc thì anh chỉ trả cho phần anh đi đường riêng, an toàn, nhanh hơn. Nếu thu đủ phí thì không chỉ ở mức 1.500 đồng như hiện nay, mà phải vài nghìn đồng/km”, ông Đông lý giải.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc 5 dự án cao tốc Bắc- Nam theo hình thức PPP có khả năng bể tiến độ do nhà đầu tư khó vay vốn tín dụng hay không, ông Đông cho biết, Bộ GTVT đã lường hết các khó khăn của dự án. Cao tốc Bắc - Nam chủ trương lớn là thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư, nhưng qua sàng lọc sơ tuyển, có những dự án không có nhà đầu tư vượt sơ tuyển như Vĩnh Hảo - Phan Thiết nên đã phải chuyển sang đầu tư công. Trường hợp không có nhà đầu tư (kể cả ký hợp đồng mà không huy động được vốn) thì sẽ có phương án khác, là có thể đầu tư công hoặc đấu thầu lại.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, nhiều ngân hàng hiện không mặn mà với việc cho vay để làm các dự án giao thông, nên việc nhà đầu tư vay vốn sẽ rất khó khăn.
Nhà thầu chậm tiến độ sẽ bị xử phạt
Giải thích thêm về vấn đề thu phí cao tốc, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư PPP, Bộ GTVT, cho biết sẽ xác định giá khởi điểm và giá từng thời kỳ.
Bộ GTVT đang phối hợp Bộ Tài chính để tính toán phương án thu phí các dự án sử dụng vốn ngân sách, sớm trình Chính phủ và báo cáo Thường vụ Quốc hội để bổ sung và danh mục phí và lệ phí, tập trung trước tiên vào các dự án cao tốc, do có lựa chọn cho người dân.
Về hình thức xử phạt với các nhà thầu chậm tiến độ, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cho biết theo hồ sơ mời thầu, mỗi ngày chậm tiến độ nhà thầu sẽ bị phạt 0,05% giá trị hợp đồng, tổng giá trị phạt tối đa 12% giá trị hợp đồng.
Ngoài ra, quy định lần 1 là nhắc nhở, lần 2 là khiển trách và xem xét điều chuyển khối lượng trong liên danh, lần 3 có thể chấm dứt hợp đồng và phạt.
Còn theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, trong quá trình chấm thầu, Ban đều điện hỏi Bộ Công an để lấy thông tin các nhà thầu, đảm bảo các nhà thầu không có vi phạm bị khởi tố.
Bình luận (0)