Nắng nóng hơn, nhu cầu sử dụng tăng 9 - 10%
Ngay trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2, TP.HCM và nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ đã xuất hiện những ngày nắng nóng đầu tiên của năm nay khi nhiệt độ cao nhất ghi nhận từ 35 - 36 độ C. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do hiện tượng El Nino, nắng nóng tại khu vực Nam bộ, Tây Bắc Bắc bộ và Trung bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng đến sớm tại khu vực miền Nam, miền Trung và dự báo từ tháng 3 - 5, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.
Năm ngoái, VN từng trải qua đợt nóng thứ hai trong lịch sử, chỉ sau năm 2019. Nhiệt độ trung bình trên toàn quốc khi đó cao hơn 1,09 độ C so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng, khô hạn dẫn đến nước tại các hồ thủy điện cạn kiệt, điện than ngưng hoạt động nhiều tổ máy để sửa chữa… trong khi nhu cầu sử dụng điện lại cao. Thế nên, mùa khô năm 2023, VN, đặc biệt là miền Bắc, đã trải qua 23 ngày thiếu điện và chính Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đánh giá là gây "hậu quả khủng khiếp" cho nền kinh tế, môi trường đầu tư, uy tín của đất nước.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi về nguồn cung điện cho mùa khô năm nay được đặt ra rất sớm. Theo EVN, việc đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô năm nay và kể cả năm sau là "nhiệm vụ cam go, thách thức". Đại diện tập đoàn cho hay 48% nguồn cung đến từ các tập đoàn nhà nước gồm EVN, Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn Than khoáng sản VN; 52% nguồn còn lại phụ thuộc vào các doanh nghiệp bên ngoài. Như vậy, nếu các đơn vị sản xuất không ổn định, nguồn cung ứng điện sẽ bị ảnh hưởng trên cả nước.
Đặc biệt, tại miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho hay dù đã tăng trưởng phụ tải tại khu vực tương đối thấp, cao nhất chỉ hơn 15.800 MW, song tình trạng thiếu nguồn diễn ra nhiều đợt. Công suất phân bổ từ Trung tâm điều tiết hệ thống điện quốc gia về cho khu vực miền Bắc có nhiều thời điểm xuống dưới mức 10.000 MW và kéo dài, dẫn đến sản lượng điện giảm mạnh. Với kịch bản có xác suất sự cố cao và khả năng nắng hạn, nước về hồ thủy điện kém như năm 2023, riêng khu vực phía bắc, dự kiến có thể thiếu từ 1.200 - 2.500 MW điện trong tháng cao điểm nắng nóng từ tháng 5 - 7 năm nay.
Chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng VN) lo lắng dù El NinoEl Nino được dự báo sang 2024 sẽ nhẹ hơn nhưng diễn biến bất thường của thời tiết trong năm nay rất đáng lưu tâm. Nếu nắng nóng và số ngày nhiệt độ tăng cao kéo dài, áp lực thiếu điện tại khu vực miền Bắc trong mùa khô rất lớn vì từ nhiều năm qua, miền Bắc chưa có dự án điện mới nào được thực hiện trong khi nhu cầu tăng gần 10% mỗi năm.
"Từ năm 2016 đến nay, dự án nhiệt điện không được bổ sung, thủy điện lớn khai thác hết, nguồn mở rộng chưa kịp đưa vào khai thác vào mùa hè này. Nói chung, các nguồn chủ động đều không được bổ sung mới, nguồn nhập khẩu tăng thêm cũng không dễ dàng gì, nên với nhu cầu sử dụng tăng mỗi năm, thiếu điện là khó tránh khỏi", ông Hoạch dẫn chứng.
EVN tính toán nhu cầu sử dụng điện bình quân tăng 9% mỗi năm, tương ứng tăng 4.000 - 4.500 MW, trong khi năm 2024, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành chỉ đạt khoảng 1.950 MW, nhưng cũng chỉ tập trung khu vực miền Nam và miền Trung. Như vậy, miền Bắc vẫn đối diện áp lực thiếu điện trong mùa khô sắp tới.
Người lao động nhọc nhằn mưu sinh trong nắng nóng bất thường đầu năm
Cân đối cung - cầu thế nào ?
Theo kịch bản cân đối cung - cầu điện của EVN cho năm 2024, tỷ trọng điện từ nguồn thủy điện sẽ giảm xuống 29% trong trường hợp phụ tải bình thường và hơn 28% phụ tải cao. Ngược lại, tỷ trọng nhiệt điện than tăng mạnh, từ khoảng 46% lên trên 50% trong trường hợp phụ tải bình thường và lên gần 52% trong trường hợp phụ tải cao ở năm 2024. Như vậy, áp lực cho ngành thủy điện và nhiệt điện than trong mùa khô năm nay không hề nhỏ. Hiện ngoài nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo tương đối ổn định, có đến 43% nguồn điện (than, khí…) biến đổi theo giá khí và giá dầu thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất điện nói chung.
Để giải quyết bài toán thiếu điện, ngay từ cuối năm ngoái, EVN đã làm việc với các đơn vị tăng nguồn cung cấp than, khí phục vụ sản xuất điện. Đặc biệt, đề xuất tăng mua điện gió từ Lào về với mức giá trần nhập khẩu gần 1.700 đồng/kWh; đề nghị tăng mua điện từ Trung Quốc nhằm bổ sung nguồn thiếu khu vực phía bắc trong ngắn hạn. Để thực hiện việc nhập khẩu điện từ Lào, EVN cũng đề xuất kêu gọi đầu đầu tư nhân vào đường truyền tải mới nhằm nâng công suất nhập khẩu điện từ Lào về.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng có yêu cầu Tập đoàn Than khoáng sản VN và Tổng công ty Đông Bắc khẩn trương đàm phán để ký hợp đồng nhập khẩu than, nhất là nhập khẩu than từ Lào theo Hiệp định liên Chính phủ. Với thủy điện, công tác tích nước và giữ mực nước cao ở các hồ thủy điện đến cuối mùa khô để đảm bảo công suất khả dụng nguồn điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải trong những ngày có thời tiết bất thường tại khu vực miền Bắc đã được EVN triển khai thực hiện từ các tháng cuối năm 2023.
Về đường dây 500 kV mạch 3, ngay chiều hôm qua (21.2), EVN cho biết các lãnh đạo cao cấp của tập đoàn đã chủ trì, làm việc với các nhà thầu tham gia dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, nhằm rà soát tiến độ thi công và đôn đốc nhà thầu huy động nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ dự án. Hiện các nhà thầu đã hoàn thành đúc móng 87 vị trí; đang triển khai làm đường tạm, thi công móng đồng loạt tại 752 vị trí; đã lắp đặt hoàn thành 1 trụ tháp và đang lắp 6 trụ.
"Lãnh đạo EVN cũng làm việc với chính quyền của 9 tỉnh có dự án đi qua để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án. Với những vướng mắc vượt thẩm quyền, EVN cũng đã kịp thời báo cáo các bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để được tháo gỡ", đại diện EVN thông tin.
Trước đó, ngay từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, EVN đã triển khai ngay cuộc họp trực tiếp nhằm đôn đốc các đơn vị trực thuộc bắt tay vào cuộc trong công tác chuẩn bị bảo đảm nguồn cung cho mùa khô tới, dự tính từ tháng 3 - 7. Lãnh đạo EVN chỉ đạo các đơn vị phát điện tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà máy điện. Đặc biệt, các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc phải đảm bảo độ khả dụng, độ tin cậy của các tổ máy, không được phép để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô.
Bên cạnh đó, tập đoàn chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cần kiểm tra, rà soát, khắc phục ngay những khiếm khuyết trên lưới điện 220 - 500 kV nếu có; chủ động, sẵn sàng các vật tư, thiết bị dự phòng cần thiết... Với các đường lưới điện, EVN chỉ đạo các tổng công ty/công ty phải hoàn thành công tác sửa chữa lưới điện phân phối trước ngày 31.3.2024. Nói không với việc đăng ký sửa chữa các công tác lưới có ảnh hưởng đến cấp điện phụ tải, huy động nguồn trong các tháng cao điểm mùa khô.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện EVN cho hay công tác bảo đảm nguồn cung được tập đoàn chủ động chuẩn bị và triển khai rất sớm dưới sự đôn đốc chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Công thương. Nếu không có sự cố bất thường, cực đoan ngoài dự báo về thời tiết, dự án lưới truyền tải kịp tiến độ, hy vọng nguồn được bảo đảm tốt trong mùa khô năm nay.
Không thể mãi giải pháp ăn đong hằng năm
Dù vậy theo TS Nguyễn Huy Hoạch, do không có nguồn mới bổ sung, nên nguồn cung điện cho miền Bắc là đáng lo hơn nhiều so với miền Trung và miền Nam. Hiện mọi kỳ vọng đang đổ về dự án 500 kV mạch 3, nhằm đưa điện từ miền Trung ra miền Bắc trong mùa nắng nóng này. Nếu đường dây 500 kV kịp hoàn tất vào tháng 6, từ tháng 7 trở đi, áp lực thiếu điện cho khu vực miền Bắc hầu như sẽ được giải quyết. Hiện đường dây tải điện khu vực này đạt từ 2.200 - 2.700 MW, lên 2.700 MW là quá tải, nhưng nếu được nối với đường dây 500 kV mạch 3 hoàn thành, nguồn sẽ tăng lên 5.000 MW cho miền Bắc. Lúc đó, ngành điện có thể thở phào nhẹ nhõm.
"Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối là dự án quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng, quốc phòng và đã được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Tuy vậy, thông tin vừa cập nhật mới đây từ EVN là dự án vẫn còn bị vướng mặt bằng tại nhiều địa phương. Những khó khăn vướng mắc này có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. EVN đã có phương án chủ động để bảo đảm nguồn cung, song nếu đường truyền tải điện không kịp đưa vào sử dụng trong tháng 6 cao điểm nắng nóng, vẫn sẽ là thách thức không nhỏ cho ngành điện", TS Nguyễn Huy Hoạch nhấn mạnh.
GS-TS Trần Đình Long, Hội Điện lực VN, nhận xét: Báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng vẫn đặt vấn đề trong tình huống cực đoan, điện vẫn thiếu trong mùa khô này do nhiều yếu tố bất lợi như không có nguồn điện lớn nào đưa vào vận hành; lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu đang ở giai đoạn suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao nên lượng than nhập khẩu tăng cao.
"Các lý do dẫn đến nguy cơ thiếu điện không mới nhưng chúng ta luôn bị động trong việc đảm bảo cung ứng. Cứ dự đoán khu vực này tiêu thụ bao nhiêu, rồi cố gắng đắp bên này, bổ sung bên kia để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, tính chủ động phân phối lại không có hay nói đúng hơn là chưa có. Thực tế, mô hình thị trường điện đã được Chính phủ phê duyệt thì trong năm nay đã có thị trường bán lẻ điện, nhưng chúng ta làm không kịp và đến nay vẫn loay hoay việc bổ sung đáp ứng nhu cầu theo từng năm. Chính việc thiếu một thị trường mua bán điện cạnh tranh đã dẫn đến nỗi lo thiếu điện phập phồng qua mỗi năm, khiến nguồn điện thiếu ổn định", ông Long nói.
Theo ông Long, ngành điện không thể bàn giải pháp "ăn đong", mà cần sự dài hơi bởi dự báo nguồn thiếu trong 2 năm tới đã được đưa ra từ lâu. Nhưng từ lúc dự báo đến nay, các chính sách liên quan phát triển nguồn vẫn rất chậm. Kế hoạch triển khai tổng sơ đồ điện 8 chưa có, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà không thấy. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phải nhắc nhở lại trong chỉ đạo đầu năm.
"Tôi kiến nghị Nhà nước nên sớm có cơ chế khuyến khích đầu tư điện tái tạo nói chung, đúng xu hướng phát triển của thế giới và chiến lược giảm phát thải xanh của VN và giảm áp lực nguồn cung điện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách về giá rõ ràng, minh bạch để kêu gọi nhiều thành phần tham gia đầu tư. Nguồn cung điện vẫn có thể dự báo được cho 5 - 10 năm sau, chính sách triển khai chậm ngày nào, thiệt hại cho nền kinh tế ngày đó, chứ không riêng gì câu chuyện của ngành điện", GS Trần Đình Long nêu quan điểm.
Không để xảy ra thiếu điện
Tại công điện cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá việc cung ứng điện vừa qua còn bất cập, trong đó miền Bắc thiếu điện cục bộ vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Theo kế hoạch, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu năm 2024 gần 306,3 tỉ kWh, trong đó mùa mưa chiếm 52%, còn lại mùa khô.
Để tránh lặp lại thiếu điện trong năm 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các địa phương và doanh nghiệp ngành điện chuẩn bị kịch bản, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. "Tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân", công điện nêu rõ. Một trong những giải pháp được Thủ tướng nhắc lại là đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đóng điện toàn bộ dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) trong tháng 6.2024.
Bộ Công thương dẫn số liệu từ các địa phương cho biết đến năm 2025 sẽ đưa vào vận hành 4 dự án nhiệt điện với công suất 4.670 MW (An Khánh, Hiệp Phước giai đoạn 1; Nhơn Trạch 3, 4; Vũng Áng 2), 176 dự án thủy điện với công suất 2.948 MW, 165 dự án điện gió trên bờ công suất 13.919 MW. Tổng công suất các dự án trên là khoảng 21.537 MW. Nếu các dự án nguồn điện thực hiện theo dự kiến như trên thì nguồn cung điện sẽ đáp ứng.
Theo Thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), trong tuần 7/2024 (từ ngày 12 - 18.2), phụ tải điện tiếp tục duy trì thấp do ảnh hưởng dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Sản lượng trung bình ngày là 573 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 14,3 triệu kWh. Công suất cực đại trong tuần đạt 36.106,9 MW, cao hơn 249,6 MW so với tuần trước. Tình hình cung cấp điện trong tuần tiếp tục được đảm bảo tốt. Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 10,8%, miền Nam 12%, miền Trung 6,9%). Với mục tiêu giữ nước các hồ thủy điện phía bắc, từ ngày 18.2, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã triển khai giải pháp đặt các ràng buộc trong công tác lập lịch nhằm khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than miền Bắc và truyền tải trên các cung đoạn đường dây 500 kV Trung - Bắc, cung đoạn đường dây 500 kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn 2 - Nho Quan.
Bình luận (0)