Lo thiếu vốn cho truyền tải điện

18/10/2013 13:00 GMT+7

Không chỉ khó khăn khâu giải phóng mặt bằng, vốn đang là bài toán nan giải đối với các dự án truyền tải điện cao áp và siêu cao áp. Nếu không có giải pháp để tháo gỡ, nguy cơ thiếu điện là nhãn tiền, ngay cả khi thừa nguồn phát.

 Lo thiếu vốn cho truyền tải điện
Đang thi công nâng cấp đường dây 500 mạch 1 và 2 - Ản: Linh Phạm

Theo quy hoạch điện VII, có tới 103 công trình/dự án đầu tư cải tạo và xây dựng mới hệ thống đường dây và trạm biến áp (TBA) 500kV. Bộ Công thương dự toán, nguồn vốn cho đầu tư 654 công trình truyền tải điện cao áp 220kV-500kV giai đoạn 2011-2020 khoảng 310,4 nghìn tỉ đồng (vốn cho TSĐ Điện VII khoảng 929,7 nghìn tỉ đồng, trong đó vốn cho các dự án nguồn là 619,3 nghìn tỉ và lưới là 310,4 nghìn tỉ).

Ông Trần Quốc Lẫm, Phó TGĐ Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (NPT) cho biết, chỉ tính riêng dự án đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông theo thiết kế cũng đã ngốn tới gần 9.300 tỉ đồng.

Theo ông Lẫm, riêng trong năm 2013, vốn đầu tư cho hệ thống lưới truyền tải điện cao áp và siêu cao áp 220kV-500kV của NPT vào khoảng 14.000 tỉ đồng, mặc dù được Chính phủ bảo lãnh và chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn, song cũng không mấy dễ dàng tiếp cận. Nguyên nhân cơ bản là do giá/phí truyền tải được tính trong giá thành điện còn thấp nên ảnh hưởng tới cả vốn đầu tư cũng như vốn đối ứng.

“2012 là năm đầu tiên sau 5 năm thành lập NPT mới có lãi, nhưng với con số khá khiêm tốn là hơn 100 tỉ đồng, trong khi thông thường mỗi công trình, dự án ít cũng từ vài trăm đến vài nghìn tỉ đồng. Hiện nguồn vốn đối ứng NPT chủ yếu tập trung phục vụ công tác GPMB. Dù có vay của tổ chức quốc tế nào thì cũng phải có vốn đối ứng, nhưng hiện hệ số dư nợ của NPT/vốn chủ sở hữu đã hơn 4,4 lần - đây là điều các tổ chức tín dụng, ngân hàng rất e ngại”, ông Lẫm nói.

Để có được số lãi nói trên của NPT, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ông Đinh Quang Tri cho biết, đã tính thêm cho NPT 2,3 đồng/kWh so với giá/phí được kiểm toán.

Theo NPT, giá/phí truyền tải hiện nay mới chỉ chiếm 6 - 7% trong chi phí cấu thành giá điện. Ít nhất, giá/phí truyền tải phải từ 10-15% mới tạo điều kiện để NPT có có lãi để làm vốn đối ứng và tái đầu tư. Trước mắt, để đảm bảo cấp điện cho miền Nam từ năm 2014 theo hệ thống truyền tải, phải gấp rút hoàn thành hàng loạt công trình, trong đó, phải lắp đặt xong máy 2 của TBA 500kV Sông Mây tại khu vực Bình Dương; nâng cấp dàn tụ bù 2000A của đoạn Nho Quan - Hà Tĩnh. Để huy động được nguồn vốn cho các dự án này, NPT cho biết đã làm việc với các ngân hàng TMCP trong nước, tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như ADB, WB, Nexi, JICA… Tuy nhiên, theo ông Lẫm, nếu cứ theo luật tổ chức tín dụng trong nước thì “tất cả các dự án đều phải thẩm định hiệu ích kinh tế tài chính, và hạn mức vay tín dụng trong nước không được vượt quá 15% tín dụng cũng như không được vượt quá 25% nhóm khách hàng” là những yêu cầu rất khó đối với các dự án lưới điện.

Vì vậy, NPT đề xuất tất cả các dự án đầu tư lưới truyền tải điện đều được Chính phủ bảo lãnh như đối với việc vay vốn của đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, đường dây 220kV Đắk Nông -Phước Long - Bình Long.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, cần tranh thủ các nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt là các nguồn vốn ODA, vốn vay từ WB, ADB… để giải quyết bài toán này. Cùng với đó, Chính phủ nên có cơ chế giúp có được nguồn vốn đối ứng để triển khai cho từng dự án truyền tải điện; song hành với việc đẩy mạnh đầu tư các dự án nguồn điện tại chỗ cho khu vực phía Nam, cần đẩy mạnh vốn cho các dự án lưới điện đồng bộ, từ cấp 500kV - 220kV và 110kV…

 Linh Phạm

>> Lưới điện cao áp “tổn thương”, thiệt tiền tỉ
>> Chập điện cao áp, 1 người chết, 5 người bị thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.