Loại khỏi thị trường nếu không đóng thuế

19/01/2016 06:29 GMT+7

Công nghệ mới mang lại tiện ích và tiết kiệm cho khách hàng, nhưng hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ hay bất kỳ hình thức nào cũng phải tuân thủ pháp luật để cạnh tranh một cách công bằng, sòng phẳng.

Công nghệ mới mang lại tiện ích và tiết kiệm cho khách hàng, nhưng hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ hay bất kỳ hình thức nào cũng phải tuân thủ pháp luật để cạnh tranh một cách công bằng, sòng phẳng.

Nhiều hãng taxi đang bị cạnh tranh không lành mạnh vì đối thủ né thuế - Ảnh: D.Đ.MinhNhiều hãng taxi đang bị cạnh tranh không lành mạnh vì đối thủ né thuế - Ảnh: D.Đ.Minh
Không nên độc quyền ứng dụng công nghệ


Theo quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hiện có 6 loại hình kinh doanh vận tải (theo Nghị định 86) thì Uber vẫn không thuộc loại hình nào. Trao đổi với Thanh Niên, Sở GTVT TP.HCM cho biết đang nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến, đề xuất của các sở ngành, Hiệp hội Taxi, doanh nghiệp taxi nhằm kiến nghị Bộ GTVT có cơ chế quản lý hoạt động của Uber, GrabTaxi. Tinh thần chung của kiến nghị là cần có sự bình đẳng giữa taxi truyền thống và Uber. Bởi hiện nay các doanh nghiệp taxi chịu sự quản lý rất chặt của các cơ quan nhà nước từ vấn đề thuế, giá cước, người lao động, quy định về kinh doanh taxi..., trong khi xe Uber thì hoạt động quá tự do, khó có thể kiểm soát được thuế, giá cước, an ninh trật tự...  
N.Quế An

Hiệp hội Taxi TP.HCM cuối năm 2015 gửi công văn lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị cấm Công ty Uber, Công ty GrabTaxi kinh doanh vận tải “taxi trá hình”. Hiệp hội này cho rằng Công ty Uber Hà Lan, Uber VN là đơn vị kinh doanh về công nghệ, cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý chung, dịch vụ tư vấn quản lý tiếp thị, dịch vụ nghiên cứu thị trường, không được cấp phép kinh doanh vận tải nói chung và vận tải hành khách bằng taxi nói riêng tại VN.
Thực tế gần 2 năm qua, Công ty Uber đã thông qua phần mềm của mình điều hành toàn bộ hoạt động “taxi trá hình” bằng các thủ đoạn được gọi là “Điều khoản về đối tác”, “Điều khoản sử dụng”, “Thỏa thuận về hợp tác và hỗ trợ” giữa Uber với các chủ xe, lái xe, các doanh nghiệp, người sử dụng. Tất cả nội dung của điều khoản thỏa thuận mà Uber soạn thảo, ký kết với các tổ chức, cá nhân tại VN đều ghi “các điều khoản được điều chỉnh và hiểu theo pháp luật Hà Lan, khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại sẽ được đệ trình và xử lý tại tòa án có thẩm quyền tại Amsterdam Hà Lan”. Như vậy, Công ty Uber đẩy tất cả trách nhiệm và toàn bộ rủi ro cho các tổ chức, cá nhân “hợp tác” với Công ty Uber.
Không chỉ vậy, việc Bộ GTVT chỉ cho mỗi GrabTaxi thực hiện đề án thí điểm Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa) đã vấp phải phản ứng của nhiều doanh nghiệp taxi trong nước. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện một hãng taxi ở TP.HCM khẳng định, công ty có đầy đủ điều kiện và công nghệ để tham gia chương trình thí điểm này (hành khách gọi xe thông qua ứng dụng app trên điện thoại di động). Theo ông, nếu chỉ giao cho GrabTaxi sẽ dễ phát sinh tiêu cực về độc quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách và vì thế, cần có ít nhất 5 doanh nghiệp vận tải cùng tham gia. Hiệp hội Taxi TP.HCM còn khẳng định, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ số 1850/TTg-KTN đã nói rõ “đồng ý Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng”, nghĩa là tất cả doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô đều có thể tham gia thí điểm. Thế nhưng, văn bản của Bộ GTVT lại mở ngoặc “độc quyền” khi ghi thêm là GrabCar (thuộc GrabTaxi).
Gian lận, trốn thuế
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng: “Phía nước ngoài có thu nhập tại VN thì phải có nghĩa vụ nộp thuế tại VN. Có hai cách để thu thuế, một là cơ quan nhà nước VN đề nghị Uber thành lập công ty tại VN để đóng thuế bình thường như doanh nghiệp VN; hai là, nộp thuế nhà thầu. Tuy nhiên hiện nay Uber có trụ sở ở ngoài VN, có doanh thu nhưng không chịu nộp thuế. Vậy thì, cơ quan chức năng phải có biện pháp cưỡng chế”.
Ông Xoa nhận xét:“Hiện nay các doanh nghiệp taxi trong nước thu 100 đồng thì nộp thuế giá trị gia tăng 10%, nếu lãi sẽ nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn Uber không nộp thuế gì cả. Kinh doanh như vậy là không sòng phẳng, không công bằng giữa doanh nghiệp nộp thuế và không nộp thuế. Còn xét về doanh nghiệp, Uber đã gian lận, trốn thuế”. Theo ông Xoa, Cục Thuế TP.HCM nói nếu không nộp thuế thì cưỡng chế nhưng cũng không nói được cưỡng chế như thế nào. Vì thế, cơ quan thuế cần phải có biện pháp cụ thể. Cơ quan thuế cần phải tích cực hơn trong quá trình tìm ra biện pháp thu thuế Uber. Nếu không với sự phát triển vượt bậc của công nghệ sẽ có nhiều thêm những trường hợp như Uber, gây khó khăn cho môi trường kinh doanh trong nước. Còn không “nắm được người có tóc”, thì cơ quan thuế có thể thu thuế nhà thầu đối với chủ xe chạy dịch vụ cho Uber ở VN.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng về nguyên tắc kinh doanh có đăng ký thì phải nộp thuế. Cơ quan quản lý có thể nghiên cứu xem xét trên thế giới Uber nộp thuế ở các nước ra sao để nhanh chóng vận dụng ở VN. Chúng ta đón nhận công nghệ mới nhưng cũng phải tìm cách quản lý một cách thỏa đáng.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc taxi truyền thống phàn nàn các loại hình taxi mới như Uber là đúng, vì không có bảo hiểm cho hành khách và né thuế. Trước tình hình đó, Bộ GTVT cũng đã làm việc với Tổng cục Thuế để quản lý và thu thuế Uber. “Vậy thì, nhiệm vụ của ngành thuế là phải quản lý Uber. Không chỉ ngành thuế, mà tất cả các ngành liên quan phải vào cuộc để xử lý chuyện này. Uber vào VN được kinh doanh hợp pháp, nhưng để đảm bảo tính cạnh tranh phải thực hiện các nghĩa vụ thuế của mình. Theo ông Long, Uber được coi như là một nhà đầu tư nước ngoài, khi vào thị trường VN phải thượng tôn pháp luật. “Nếu không tuân thủ pháp luật thì phải bị xử lý, nhưng muốn xử lý phải có đầy đủ chứng cứ và cần thiết có thể loại bỏ ra khỏi thị trường vận tải của VN”, ông Long nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.