|
Doanh nghiệp làm ăn chân chính thiệt hại nặng
Ông Vũ Văn Thanh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho biết hiện phía tôn Hoa Sen đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, làm giảm uy tín các thương hiệu và gây tâm lý hoang mang đối với khách hàng. Không những thế, lòng tin của người tiêu dùng cho các sản phẩm tôn chính hãng trong nước cũng dần bị mai một. Ông Thanh cho biết thêm: hàng giả, hàng nhái dễ dàng đánh lừa được người tiêu dùng bằng giá cả thấp hơn so với hàng chính hãng. Từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp sản xuất hàng chính hiệu bị mất thị phần tiêu thụ, suy giảm doanh thu và lợi nhuận, mà nghiêm trọng hơn là triệt tiêu động lực sáng tạo của các công ty làm ăn chân chính nói riêng và của xã hội nói chung. Thậm chí có thể dẫn đến thua lỗ, phá sản, người lao động mất việc làm.
Ông Thanh nhận định: “Xét về góc độ kinh tế vĩ mô, khi môi trường kinh doanh bị cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức gian dối sẽ triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính, suy giảm cả ngành công nghiệp tôn, thép và dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế”.
Còn với ngành xây dựng, theo nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, mỗi công trình dù là dân dụng hay công nghiệp thì ngay trong giai đoạn thiết kế đều có yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng riêng để đáp ứng. Nếu nhà cung cấp vật liệu cố tình cung cấp tôn không đúng tiêu chuẩn chất lượng so với yêu cầu của công trình như tôn không đủ độ dày của thép nền và độ dày của lớp mạ, chất lượng của lớp mạ không tốt, không đủ đảm bảo để bảo vệ thép nền… sẽ làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng của công trình sau khi đưa vào sử dụng. Cụ thể tôn nhanh chóng bị phai màu, giảm độ bền, nhanh gỉ sét, làm công trình nhanh xuống cấp. Thay vì có thể sử dụng được 10 năm thì hàng giả sẽ bị gỉ sét sau khoảng 3 năm sử dụng.
Trong trường hợp công trình như nhà, xưởng, kho bãi… việc tôn bị gỉ sét làm dột nước mưa có thể làm hư hỏng các vật dụng, trang thiết bị, hàng hóa lưu trữ, gây tổn thất về kinh tế cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong khi đó, để khắc phục hậu quả, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí để sửa chữa tình trạng hư hỏng này, thậm chí phải thay lại toàn bộ mái tôn của công trình.
Cơ quan quản lý cần vào cuộc
Trả lời Thanh Niên, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN, cảnh báo: Hiện tình trạng tôn không rõ nguồn gốc, tôn kém chất lượng từ Trung Quốc “đội lốt” tôn nhà máy đang diễn ra phổ biến ở nông thôn, đặc biệt là những vùng cao, thậm chí còn diễn ra ngay cả ở thủ đô Hà Nội. “Những người đi làm công trình” sẽ đưa các loại tôn này vào và nói là tôn chính hãng và điều này gây thiệt hại cả cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phát hiện và xử lý nghiêm túc, nếu không kịp thời phát hiện xử lý thì chẳng khác nào khuyến khích việc làm ăn giả dối.
Theo đánh giá của ông Tuấn, để đối phó lại với thực trạng trên, đầu tiên là cơ quan quản lý của nhà nước, cũng như lực lượng của ngành công an phải khẩn trương nhập cuộc, điều tra xác minh để xử lý. Nhẹ thì xử phạt hành chính, nghiêm trọng hơn thì xử lý hình sự. Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN cho biết các doanh nghiệp có thể tổ chức những cuộc hội thảo để công bố rộng rãi tới người tiêu dùng trên khắp cả nước về vấn nạn tôn không rõ nguồn gốc, tôn kém chất lượng của Trung Quốc nhái nhãn mác tôn nhà máy đang tràn lan khắp nơi. "Những nhà máy sản xuất tôn trong nước hoàn toàn có quyền đề nghị lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an kinh tế… nhập cuộc điều tra, xử lý làm rõ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
|
Trong khi đó, theo ông Thanh, với những khó khăn đang phải đối mặt, phía doanh nghiệp hiện rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc từ phía các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội Thép VN, Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN và các cơ quan chức năng có liên quan... Cụ thể, ban hành những chính sách về kiểm soát chất lượng để ngăn chặn các sản phẩm tôn thép kém chất lượng đang nhập khẩu ồ ạt vào thị trường nội địa; Xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong việc kinh doanh sản xuất tôn của các doanh nghiệp trong nước; Có hình thức xử lý thích đáng, chế tài mạnh và mang tính răn đe đối với các trường hợp gian lận.
Ngoài ra, cơ quan hữu trách cũng cần chú ý tổ chức những hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng cách phân biệt giữa sản phẩm tôn giả, tôn nhái và tôn chính hiệu; nhận biết các hình thức gian lận thương mại đang diễn ra phổ biến trên thị trường đồng thời giúp người tiêu dùng hiểu rõ tác hại cũng như hậu quả khi sử dụng hàng nhái, hàng giả. Chưa hết, cơ quan chức năng cũng cần đưa ra được những hướng dẫn cụ thể, nhằm giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc gửi thông tin tố cáo khi mua phải sản phẩm tôn giả, tôn nhái hay phát hiện ra các hành vi gian lận của doanh nghiệp.
Phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh tôn kém chất lượng Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 14 thuộc Chi cục QLTT Hà Nội, cho biết ngày 20.11 đã ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôn trên địa bàn TP.Hà Nội. Theo đó, kiểm tra 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh thì phát hiện 3 cơ sở vi phạm chất lượng. Trong đó, đội phát hiện số lượng lớn tôn nguyên liệu và tôn thành phẩm của Công ty TNHH Mỹ Hoa, có trụ sở tại lô 5, KCN Lai Xá (ở Kim Chung, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội) đều không đạt chuẩn như ghi trên sản phẩm, cũng như trên giấy tờ. Theo ông Nghĩa: Công ty TNHH Mỹ Hoa nhập thép cuộn của Trung Quốc rồi cán thành tôn lợp, sau đó bán ra thị trường. Trên bao bì và nhãn gốc đều thể hiện độ dày của sản phẩm là 0,35 mm nhưng trên thực tế độ dày của tôn chỉ đạt 0,22 mm, tức chưa đạt 70%... Theo đánh giá của ông Nghĩa, việc kinh doanh tôn nhái và không đạt chuẩn gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất tôn trong nước... Đội QLTT số 14 đã lấy mẫu các sản phẩm tôn mang đi giám định để tiến hành xử lý theo quy định. Hà An |
Hà An
>> Loạn giá tôn lợp
>> Loạn giá tôn lợp - Kỳ 2: Những chiêu trò qua mặt khách hàng
Bình luận (0)