Loạn mua bán thông tin cá nhân trên mạng: Ngăn hành vi tiếp tay tội phạm lừa đảo

30/06/2022 06:30 GMT+7

Hành vi mua bán thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Do vậy, cần phải xử lý thật nghiêm, không để các đối tượng lộng hành.

Công an khẳng định hành vi mua bán thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc... ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh, trật tự. Do vậy, cần phải xử lý thật nghiêm, không để các đối tượng lộng hành.

Trình báo ngay khi thông tin cá nhân bị sử dụng trái phép

Liên quan loạt bài điều tra trên Thanh Niên về tình trạng loạn mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội, Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết việc mua bán CCCD, CMND, cho người khác chụp 2 mặt CCCD, CMND sẽ bị các nhóm tội phạm tiếp tục lợi dụng, mua bán với nhau, kể cả người nước ngoài để sử dụng vào mục đích phạm tội. Trong đó, các nhóm tội phạm lừa đảo công nghệ cao, băng nhóm làm ăn phi pháp dùng tài khoản ngân hàng (làm từ CCCD, CMND của người khác) để nhận và chuyển tiền bất hợp pháp.

Theo Công an TP.Thủ Đức, việc này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng công an trong công tác điều tra, xử lý, thu hồi tiền bị lừa đảo. Bên cạnh đó, từ thông tin CCCD, CMND của người dân bị mua bán, tội phạm sẽ làm giấy tờ giả để qua mặt cơ quan chức năng, lừa đảo người khác.

Công an TP.Thủ Đức khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán, cầm cố CCCD, CMND của chính mình, không cho người lạ mượn, chụp 2 mặt CCCD, CMND. Người dân không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin CCCD, CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

Cũng theo Công an TP.Thủ Đức, người dân bị mất CCCD, CMND, cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc đến các điểm cấp CCCD nơi đăng ký thường trú, tạm trú để được cấp lại thẻ mới (gắn chip). Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của CCCD, CMND không liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất CCCD, CMND, đồng thời phòng ngừa trường hợp mã số định danh của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật.

Khi phát hiện thông tin CCCD, CMND bị người khác dùng vào mục đích phạm tội, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ, phát hiện số CCCD, CMND của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao điện thoại trả sau, cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.

Một đối tượng (bìa phải) chuyên nhận làm thẻ ngân hàng cho khách từ CCCD, CMND mua bán trên mạng

CÔNG NGUYÊN

Công an Hà Nội đề nghị tố giác tội phạm CCCD

Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.Hà Nội, thẻ CCCD gắn chip là thiết bị nhận dạng thông minh, tích hợp nhiều dữ liệu nhân thân và các loại giấy tờ có liên quan đến công dân. Người dùng chỉ cần sử dụng CCCD là có thể thực hiện nhiều dịch vụ (mua hàng, xin việc, vay tiền…) và thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Chính vì thế, việc người dân mất cảnh giác chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội, làm mất, cho thuê, cầm cố… là điều kiện để tội phạm đánh cắp thông tin cá nhân của người dân với mục đích phạm tội như trao đổi, mua bán thông tin cá nhân; làm giấy tờ giả mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua vay vốn các ngân hàng, tổ chức tín dụng chuyển - nhận tiền do vi phạm pháp luật mà có…

Trước tình trạng này, PC06 Công an TP.Hà Nội cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, cầm cố thẻ CCCD có gắn chip điện tử cho các công ty cho vay hoạt động “tín dụng đen”. Tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ hình ảnh thẻ CCCD lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... Trường hợp bị mất CCCD, người dân phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc đến các điểm cấp CCCD nơi đăng ký thường trú, tạm trú để được hướng dẫn thủ tục cấp lại thẻ CCCD mới. Đây là cơ sở để xác thực chủ sở hữu CCCD trong thời gian bị mất không có liên quan đến các giao dịch dân sự phát sinh hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, khi bị các đối tượng xấu lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân CCCD gắn chip để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, người dân cần liên hệ ngay với công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ, phát hiện số CCCD của cá nhân được mở tài khoản ngân hàng..., thì báo ngay cho bên ngân hàng khóa tài khoản vi phạm.

Nếu công dân nào phát hiện việc cho thuê, mua bán CCCD gắn chip thì báo ngay cho công an gần nhất, cung cấp tài liệu có liên quan việc cho thuê, mướn, mua bán CCCD để lực lượng chức năng xử lý theo quy định. Ngoài ra, người dân biết đối tượng sử dụng CCCD của người khác để mở tài khoản và sử dụng vào các hoạt động trái pháp luật mà không tố giác, thì có thể bị xử lý theo pháp luật tùy vào việc đối tượng vi phạm mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để có cơ sở xử lý.

CMND của người dân được mua bán công khai

Mua bán thông tin cá nhân vẫn nhức nhối

Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an, thời gian qua, thị trường mua bán thông tin cá nhân hoạt động ngang nhiên trên mạng gây ra nhiều bức xúc. Thậm chí, nhiều người dân không hiểu sao thông tin cá nhân của mình bị đối tượng biết và rao bán ngang nhiên như vậy.

Thời gian qua, lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an và công an các địa phương cũng liên tiếp triệt phá nhiều đường dây mua bán dữ liệu của cá nhân, tổ chức. Mới đây nhất, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế triệt phá đường dây mua bán 6,2 triệu dữ liệu thông tin cá nhân. Tuy nhiên, tình trạng mua bán thông tin cá nhân vẫn còn nhức nhối. Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng có thể sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật.

Vị lãnh đạo A05 khẳng định hành vi mua bán thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc... ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh, trật tự; cần phải xử lý thật nghiêm, không để các đối tượng lộng hành.

Trước tình hình này, A05 đưa cảnh báo, người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua bán CCCD, CMND hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng. Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội vì đối tượng sẽ lấy được thông tin dễ dàng để phạm tội. Không cung cấp thông tin CCCD, CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Trường hợp bị mất CCCD, CMND, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ.

Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin CCCD, CMND để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với công an để được hỗ trợ.

Trường hợp nghi ngờ, phát hiện số CCCD, CMND của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao trả sau, cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao. Đặc biệt, để loại bỏ tình trạng mua bán thông tin cá nhân này, công an các đơn vị, địa phương phải triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Loạn mua bán thông tin cá nhân trên mạng

Bịt lỗ hổng mạo danh để lừa đảo

Đủ chiêu trò của các 'đầu nậu'

Loạn mua bán thông tin cá nhân trên mạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.