Đã gửi “tâm thư” mà các nhà thiết kế có tiếng vẫn làm ngơ. Đã chấm sơ khảo mà đành đổi phương án. Việc tìm lễ phục đối mặt nguy cơ khó tới đích.
Đầu vào yếu
|
“Hội đồng nghệ thuật đã không chọn được mẫu thiết kế nào vào chung khảo cuộc thi thiết kế lễ phục”, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Vi Kiến Thành cho biết. Có tới 254 mẫu thiết kế của 47 tác giả dự thi, nhưng không một nhà thiết kế thành danh nào tham dự cuộc thi này. Hậu quả của “đầu vào” như vậy nên các mẫu thiết kế rơi vào tình trạng hoặc quá rập khuôn mẫu truyền thống, mẫu gốc, hoặc không thể áp dụng được.
Thậm chí, theo bà Đoàn Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, còn có tình trạng các mẫu thiết kế chỉ dừng lại ở ý tưởng. Chưa kể nó còn không bám được vào đề bài là trang phục dùng cho nghi lễ nhà nước. “Các nhà thiết kế không nắm được mục đích sử dụng. Có những bộ như để mặc đi chơi đi bời ấy. Cái đó phải là lễ nghi cơ, phải sang trọng. Mặc lớp lang ở trong thế nào, ở ngoài thế nào. Mẫu vẫn quá đơn sơ. Chưa kể có những mẫu không thể may được. Thiết kế được nhưng phải có thực tế nữa”, bà Hương nói.
Cũng tại buổi sơ khảo, những mẫu thiết kế lịch sử từ những năm 80 đã được đưa ra để hội đồng xem xét. Theo Cục Mỹ thuật, đây là những mẫu do nhóm chuyên gia nghiên cứu hoa văn, họa tiết cổ truyền rồi vẽ lên từ lâu. Tuy nhiên, do chủ trương thay đổi, những mẫu này đã không được phê duyệt trước đây. “Nhưng những mẫu này hội đồng nghệ thuật cũng không ưng. Chúng không hợp thời nữa”, ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, cả ông Thành lẫn bà Hương vẫn khẳng định việc tìm kiếm lễ phục dự kiến sẽ tiếp tục đến khoảng cuối năm âm lịch này. Phần thưởng cho người thiết kế được lễ phục vẫn giữ nguyên như thể lệ cuộc thi. Mỗi mẫu được chọn sẽ được nhận 50 triệu đồng (gồm quần áo nam - nữ kiểu truyền thống, quần áo nam - nữ kiểu hiện đại).
|
Lại đặt hàng
Theo bà Thúy Nga, đại diện Elite Việt Nam, các nhà thiết kế thậm chí không cần đến tiền khi thiết kế các trang phục cho thí sinh dự thi hoa hậu thế giới. “Trong suốt mười mấy năm qua, chưa bao giờ Elite phải mất tiền cho nhà thiết kế trang phục thi hoa hậu thế giới. Mà những mẫu thiết kế đó rất cầu kỳ. Thậm chí có những mẫu của Lê Long Dũng còn vô cùng cầu kỳ. Anh ấy dùng chỉ vàng để thêu. Và mẫu trang phục khoảng 100 triệu với anh ấy là bình thường”, bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, việc ít thu hút nhà thiết kế dự thi lễ phục, có thể do tuyên truyền. Trên thực tế, việc các nhà thiết kế sẵn sàng đầu tư trang phục hoa hậu là do họ biết quyền lợi của họ cho việc đó. Chẳng hạn, những thiết kế đó sẽ được nêu tên, được chụp hình quảng bá. Nghĩa là nó cũng sẽ chuyển thành thương hiệu, thành cơ hội kinh doanh.
Về điều này, có thể thấy cuộc thi thiết kế lễ phục chưa thực hiện được. Cho đến giờ này, hẳn ít nhà thiết kế biết bộ trang phục thắng giải sẽ được sử dụng trong các nghi lễ nhà nước, nghi lễ ngoại giao. Khả năng trang phục này sẽ được nhắc đến trong một văn bản chính thức của nhà nước, do Chủ tịch nước phê chuẩn cũng ít người biết. Và giá trị của vinh dự này hẳn hơn nhiều so với một cuộc thi hoa hậu thông thường.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, Cục Mỹ thuật lại có một quyết định chuyển hướng khác. Theo bà Hương, một số nhà thiết kế sẽ được đặt hàng. Nhưng họ không làm việc một mình. “Sẽ có một nhóm chuyên gia đồng hành cùng nhà thiết kế. Họ sẽ cùng làm việc để đưa ra kết quả”, bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, sẽ chưa tiết lộ về hội đồng nghệ thuật. Và bà cũng từ chối tiết lộ về các nhà thiết kế sẽ được mời.
Như vậy, việc thiết kế lễ phục không chỉ đang loanh quanh. Nó còn đang có xu hướng tự đặt hàng, tự công nhận. Đây mới là điều công chúng lo nhất. Bởi nghệ thuật đặt hàng lâu rồi không được đánh giá cao về giá trị sử dụng. Mỹ thuật, thiết kế chắc cũng không là ngoại lệ.
Trinh Nguyễn
>> Đặt hàng lễ phục
>> Tìm lễ phục truyền thống và hiện đại
>> Lễ phục liệu có u hóa ?
>> Cấp bách tìm kiếm lễ phục
>> Vẫn chưa có tiêu chí tìm lễ phục
>> Bộ lễ phục đắt nhất VN
Bình luận (0)