Loạt ‘ông lớn’ mòn mỏi chờ cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/03/2024 17:44 GMT+7

Văn phòng Chính phủ tiếp tục truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung để báo cáo Thường trực Chính phủ về việc xây dựng nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Trước đó, tại Công điện 1412 ngày 25.12.2023, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương tập trung nhân lực cao nhất để xây dựng, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền trước ngày 31.12.2023 các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu…

Trong khi đó, thông tin từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, Bộ Công thương… cho thấy, nhiều "ông lớn" trong ngành sản xuất, công nghệ mong muốn được mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện mặt trời, không qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Các tập đoàn lớn đã từng ủng hộ Chính phủ về cơ chế DPPA có thể kể đến Samsung, Apple, Nike, Adidas, Heineken…

Loạt ‘ông lớn’ mòn mỏi chờ cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp- Ảnh 1.

Cả bên bán lẫn bên mua đều mong muốn sớm có cơ chế mua bán điện trực tiếp

TN

Đa số doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn với tổng sản lượng điện tiêu thụ bình quân lên đến 1 triệu kWh mỗi tháng, sử dụng cấp điện áp 22kV trở lên. Theo khảo sát của Bộ Công thương, 20/41 doanh nghiệp cho biết muốn tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA ngay với tổng nhu cầu ước tính gần 1.000 MW (khảo sát trước đây có 24 doanh nghiệp tham gia, tổng nhu cầu 1.125 MW - NV). Ngược lại, về phía bên bán, có 24 dự án năng lượng tái tạo (công suất từ 30 MW trở lên) muốn tham gia bán điện trực tiếp, không qua EVN.

Như vậy, không chỉ có nhu cầu được mua, nhu cầu bán điện trực tiếp cho đơn vị sử dụng cũng rất cao.

Trong thực tế, cơ chế mua bán điện trực tiếp được đề cập từ đầu năm 2020, Bộ đề xuất ban hành cơ chế DPPA dưới hình thức thông tư, đến việc chuyển thành quyết định của Thủ tướng. Tại báo cáo hồi cuối tháng 7.2023, hình thức văn bản lại được chuyển thành nghị định của Chính phủ.

Cũng từ cuối tháng 7.2023, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quy định về cơ chế DPPA, áp dụng cho các đơn vị điện gió, điện mặt trời đấu nối và hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10MW trở lên, các khách hàng lớn tham gia cơ chế DPPA là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp 22kV trở lên, các đơn vị điện lực… Tuy nhiên, đến nay, sau 8 tháng trình, báo cáo và nhiều cuộc họp hối thúc từ phía Chính phủ, cơ chế DPPA hay cơ chế "bán điện cho hàng xóm" với quy mô nhỏ hơn đến nay vẫn chưa thấy.

Được biết, Bộ Công thương kiến nghị xây dựng nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện là các dự án năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thông qua lưới điện quốc gia. Nghị định này sẽ áp dụng cho các đơn vị phát điện là các dự án năng lượng tái tạo, có công suất từ 10 MW trở lên; các khách hàng sử dụng điện lớn sử dụng cấp điện áp từ 22kV trở lên. Việc mua bán điện sẽ theo quy định tại Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (hiện quyết định này đang có dự thảo sửa đổi mới); Quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; luật Giá… Dự kiến, tháng 5 tới mới có thể trình dự thảo nghị định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.