Lý do các nước tăng chứng minh tài chính
Chuyên trang giáo dục quốc tế The PIE News hôm 23.7 cho biết Đức có thể tăng yêu cầu chứng minh tài chính bắt đầu từ năm học tới. Cụ thể, theo trang web của chính phủ Đức dành cho sinh viên quốc tế, du học sinh cần có 11.904 euro (327 triệu đồng) trong sổ đóng băng để nộp đơn xin visa du học vào kỳ đông năm học 2024-2025, tăng khoảng 10% (696 euro) so với mức trước đó.
Tuy nhiên, khi được yêu cầu làm rõ, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) lại không xác nhận thông tin này. Đại diện của tổ chức này chỉ trả lời trang The PIE News rằng sẽ "không ngạc nhiên" nếu yêu cầu chứng minh tài chính có sự gia tăng bởi đó là "sự tăng chung của chi phí sinh hoạt". Đơn vị này cũng cho rằng quyết định tăng yêu cầu chứng minh tài chính phụ thuộc vào chính quyền Đức.
Trước đó, Úc từ ngày 10.5 cũng tăng yêu cầu chứng minh tài chính với du học sinh, lên mức 29.710 AUD (493 triệu đồng). Đây cũng là lần thứ 2 quốc gia này tăng yêu cầu chỉ trong gần một năm qua, từ 21.041 AUD lên 24.505 AUD, và tăng lên 29.710 AUD như hiện tại. Tổng cộng, Úc đã tăng yêu cầu chứng minh tài chính khoảng 41%, theo sau đó là loạt biện pháp thắt chặt khác với du học sinh trong những tháng qua.
Yêu cầu mới về chứng minh tài chính được cho là để người học có đủ khả năng trang trải sinh hoạt phí trong năm đầu tiên. Ngoài ra, người học cũng phải chứng minh mình có đủ năng lực tài chính để đáp ứng nhiều khoản thu khác như học phí, vé máy bay (dựa theo quốc gia đang sinh sống), học phí cho con cái nếu mang theo con cái đi cùng. Một số khoản trong đó cũng tăng so với trước đây.
Bộ Nội vụ Úc cho biết thêm, yêu cầu chứng minh tài chính mới tương đương 75% mức lương cơ bản/năm tại Úc. Mức tăng này cũng xem xét đến việc du học sinh có 25% thời lượng trong năm không cần đến trường mà có thể về nhà hay đi làm không giới hạn thời gian. Với yêu cầu mới, du học sinh cũng hạn chế khả năng gặp khó khăn tài chính, giảm thiểu tình trạng bị lợi dụng tại nơi làm việc hoặc vi phạm điều kiện visa du học.
Đáng chú ý, Canada từ đầu năm 2024 cũng yêu cầu du học sinh phải chứng minh mình có sẵn 20.635 CAD (378 triệu đồng) trong tài khoản để nộp đơn xin giấy phép du học (study permit), tăng gấp đôi so với mức cũ là 10.000 CAD. Không lâu sau đó, quốc gia này cũng công bố sẽ cắt giảm 35% số du học sinh đến nước này trong năm 2024, và có khả năng tiếp tục cắt giảm mức tương tự hoặc hơn thế nữa vào năm 2025.
Nước khác yêu cầu chứng minh tài chính ra sao?
Chuyên trang giáo dục quốc tế ICEF Monitor giải thích thêm, việc yêu cầu chứng minh tài chính nhằm đảm bảo du học sinh không phải làm thêm quá nhiều trong khi học chỉ để trang trải cuộc sống. Một lý do khác là để khuyến khích rằng sinh viên nào có ý định nghiêm túc trong việc theo đuổi bằng cấp quốc tế hẵng xin visa du học. "Các quốc gia du học yêu cầu chứng minh tài chính thấp hơn thường ít tốn kém hơn", trang này viết.
Trong các quốc gia du học truyền thống, Mỹ hiện yêu cầu chứng minh tài chính ở mức khoảng 50.000-70.000 USD (1,2-1,7 tỉ đồng) ở năm đầu tiên, tùy thuộc vào trường ĐH. Một số Đại sứ quán Mỹ yêu cầu du học sinh phải chứng minh có đủ chi phí để trang trải trong suốt thời gian học. Tại Anh, con số này là 1.100 bảng/tháng, tức 9.900 bảng cho năm học đầu tiên (323 triệu đồng).
Hai quốc gia du học nói tiếng Anh khác là New Zealand, Ireland lần lượt yêu cầu chứng minh tài chính ở mức 20.000 NZD (299 triệu đồng cho năm đầu tiên), 10.000 euro (274 triệu đồng, có sẵn ngay lập tức và chuẩn bị số tiền tương tự cho mỗi năm học tiếp theo). Cùng tại châu Âu, các quốc gia khác như Phần Lan, Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ lần lượt yêu cầu 590 euro, 600 euro, 615 euro/tháng và 14.700 euro, 21.000 franc/năm.
Trong khi đó, những quốc gia châu Á phổ biến với du học sinh Việt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore lần lượt yêu cầu mức 20.000 USD (sổ đóng băng), 2 triệu yên (trong năm đầu), 2.500 USD/năm, 8.400 SGD (trong năm đầu). Nhìn chung, những quốc gia du học phổ biến thường có 3 mức chứng minh tài chính là dưới 10.000 USD, từ 10.000-14.000 USD và trên 14.000 USD, trong đó cao nhất thuộc về Mỹ.
Bình luận (0)