Theo SCMP, nhiều YouTuber nổi tiếng tại Hàn Quốc đang cố gắng cứu vãn danh tiếng và uy tín khi bị khán giả phát hiện ra việc một số video chia sẻ của họ là quảng cáo trá hình. Công ty phân tích Wiseapp có trụ sở tại Seoul tiết lộ, YouTube là ứng dụng phát video được sử dụng nhiều nhất ở Hàn Quốc. Những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng khổng lồ này đa phần sẽ chia sẻ những video về phong cách sống, làm đẹp, mukbang (video mô tả quá trình ăn uống trước ống kính)… Sohn Dong Young, giáo sư truyền thông - media tại Đại học Hanyang ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết: “Người Hàn có xu hướng xem các kênh YouTube vì họ coi đó là nguồn xác thực đáng tin cậy hơn so với các phương tiện truyền thông vốn được coi là đưa tin thiên vị và bị chi phối bởi lợi ích thương mại”.
Cũng theo vị này, hàng triệu khán giả Hàn Quốc đã theo dõi những chia sẻ mang tính trải nghiệm thực tế, ý kiến khách quan của những YouTuber trong các lĩnh vực thời sự, giáo dục, giải trí... và tin rằng những người này sẽ đưa ra những thông tin hữu ích, khách quan vì không được tài trợ hay quảng cáo. Tuy nhiên, khi chuyện lén đưa nội dung quảng cáo với những video đăng trên YouTube, uy tín của họ bị suy giảm nghiêm trọng.
|
Theo truyền thông xứ kim chi, một số YouTuber đã nhận thấy lượng người đăng ký của họ giảm sút nhanh chóng. Nguyên nhân xuất phát từ việc những người này nhận quảng cáo của các nhãn hàng, quay cận cảnh những sản phẩm của thương hiệu trong các video đăng tải trên mạng để thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Điều này sẽ chẳng có gì nghiêm trọng nếu những nhà sáng tạo nội dung tiết lộ ngay từ đầu rằng video của họ có chứa quảng cáo trả phí.
Những người nổi tiếng như ca sĩ Kang Min Kyung hay stylist nổi tiếng Han Hye Yeon là hai trong số những YouTuber bị chỉ trích vì hành vi không công khai việc quảng cáo trong những vlog họ đăng tải. Chẳng hạn, trong một video đăng trên kênh YouTube riêng, Han đã giới thiệu các sản phẩm đáng bỏ tiền ra mua đồng thời giải thích cặn kẽ lý do nên sở hữu những món đồ này. Nhiều người đã tin vào những chia sẻ chân thành từ chính trải nghiệm của cô và tin tưởng mua sản phẩm. Tuy nhiên không lâu sau, họ phát hiện cô đã nhận được tiền để quảng cáo cho những món đồ có trong video. Cả hai nhân vật này sau đó đều phải đăng đàn xin lỗi.
Lee Ji Hye (21 tuổi), một “tín đồ’ của YouTube bày tỏ: “Khi người xem phát hiện đó chỉ là video quảng cáo trá hình, tôi cũng như nhiều người xem cảm thấy như bị Han lừa dối vì chúng tôi tin tưởng những chia sẻ của cô ấy nên mới mua sản phẩm do cô ấy giới thiệu”.
|
Ở mảng ăn uống, hồi đầu tháng 8 vừa qua, Cham PD - một YouTuber mukbang, tố nhiều nhà sáng tạo nội dung hàng đầu xứ củ sâm đã không trung thực trong chuyện tiết lộ video của họ có nội dung quảng cáo. Điều này khiến dân mạng vô cùng phẫn nộ. Ngay sau đó, Eat With Boki - một YouTuber mukbang với hơn 4,6 triệu người đăng ký, đã phải lên tiếng xin lỗi vì không tiết lộ chuyện một số video của cô được sản xuất dưới dạng quảng cáo có trả phí. Một số chủ nhân của các kênh như: Hamzy (hơn 4 triệu người đăng ký), Tzuyang (2,57 triệu người đăng ký), Nareum TV (1,5 triệu người đăng ký) cũng cúi đầu hối lỗi với lý do tương tự. Tzuyang thậm chí còn xóa hết những video trên kênh YouTube của mình. Dẫu vậy, một số người xem vẫn chưa sẵn sàng để tha thứ và quên đi. Bằng chứng là hàng nghìn người đã hủy đăng ký các kênh tham gia vào việc quảng cáo bí mật này.
“Những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube này lẽ ra phải tiết lộ sự thật rằng họ đang sử dụng quảng cáo trong video nào của mình để người xem có thể chọn lọc tiếp nhận thông tin. Nhiều YouTuber vẫn sản xuất các video có chứa nội dung quảng cáo nhưng họ vẫn được yêu thích vì trung thực”, Lee - một sinh viên đại học, cho hay.
Son Se Rin (23 tuổi) cho biết người Hàn sống vội và không thích lãng phí thời gian vào những nội dung không lên quan. Người này cho hay: “Ngay cả khi tôi đang xem video của một YouTuber yêu thích, tôi vẫn tức giận khi phải thấy những hình ảnh quảng cáo về đồ uống hay mỹ phẩm mà họ đưa vào video trong khi đó là những sản phẩm tôi chẳng hề muốn mua”. Son tiếp tục: “Mối quan hệ giữa mọi người được hình thành trên sự tin tưởng. Những YouTuber nói dối người hâm mộ của họ cuối cùng sẽ mất những người theo dõi chẳng hạn như tôi. Có rất nhiều YouTuber trên thế giới, tôi không muốn dành thời gian rảnh của mình cho một người nói dối”.
|
Trong khi dân mạng Hàn khắt khe với vấn đề quảng cáo của các YouTuber, nhiều người hâm mộ quốc tế lại cho rằng đây là vấn đề rất đỗi bình thường. “Cô ấy đã không tiết lộ chuyện nhận quảng cáo trong các video của mình nhưng cô ấy đã xin lỗi, chúng ta có thể tiếp tục ủng hộ cô ấy. Hành động đó không phải là giết người hay gì và không ai ép người xem phải mua những sản phẩm cô ấy đang ăn”, một khán giả nước ngoài nêu quan điểm trên kênh Eat with Boki's.
Trước phản ứng dữ dội, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) đã công bố các quy định sửa đổi đối với người dùng phương tiện truyền thông xã hội, có hiệu lực từ 1.9. Theo quy định mới, các quảng cáo có trả phí phải được tiết lộ rõ ràng để công chúng dễ dàng phân biệt từ đó chọn lọc thông tin tiếp nhận. Những thuật ngữ không rõ ràng như cảm hơn sự đồng hành của nhãn hàng nào đó hay đề cập là “cộng tác với…” đều bị cấm. Giáo sư Sohn Dong Young cho rằng những quy định này sẽ không mấy ảnh hưởng đến các YouTuber. Ông nói rằng thay vì nhận thêm quảng cáo, những nhà sáng tạo nội dung trên mạng, trong đó có nền tảng YouTube nên tập trung xây dựng lòng tin của khán giả để có được thành công lâu dài.
Bình luận (0)