Từ khi bùng phát dịch Covid-19, người dân quê ở Thừa Thiên - Huế muốn rời Đà Nẵng (hoặc người từ Đà Nẵng muốn ra địa bàn Thừa Thiên - Huế) đều bị buộc phải quay lại tâm dịch Đà Nẵng, hoặc về thì bị đưa vào khu cách ly 14 ngày. Sau giai đoạn “lúng túng” này, chương trình “Come back home” mới hoàn thiện.
|
Chương trình "Come back home" được Thừa Thiên-Huế khởi động từ ngày 31.7. Trước nhu cầu trở về nhà của người dân đang “mắc kẹt” ở các vùng dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gửi công điện chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức đón công dân và các trường hợp đặc biệt. Ngay sau đó, địa phương có chương trình “Come back home”, hướng dẫn người trở về từ các vùng dịch đăng ký trên hệ thống (địa chỉ: https:// tuongtac.thuathienhue.gov.vn/kbyt), đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng 1900-1075 để hướng dẫn. Lực lượng công an, quân đội bố trí xe để đón công dân tại các chốt kiểm dịch, đưa về các khu cách ly tập trung của tỉnh, lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc y tế…
“Dùng dằng” và lúng túng?
Từ ngày 28.8, Quảng Bình cũng lập kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển công dân đang tạm trú tại Đà Nẵng, đến nay ghi nhận 900 người đăng ký. Dự kiến đợt 1 (ngày mai, 3.9) Quảng Bình sẽ vận chuyển khoảng 200 người, ưu tiên người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và các trường hợp đặc biệt khác.
Như các địa phương khác, khâu thống kê, phối hợp giữa các địa phương đều có sự tham gia của các sở, ngành như LĐ-TBXH, Y tế, GTVT, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh… Đối với Quảng Bình, sau khi “chốt” danh sách và thời gian, địa điểm, Sở GTVT bố trí đủ số lượng xe để vận chuyển; các nhu yếu phẩm đã có Ủy ban MTTQ đảm nhận phân phối. Riêng Công an tỉnh lo các phương án dẫn đường, điểm dừng nghỉ, đảm bảo an toàn suốt quá trình di chuyển (đến khu vực cách ly tập trung tại Quảng Bình), tuyệt đối không để công dân… tùy tiện bỏ trốn.
Trong khi đó, Quảng Trị (nơi có đến 1.700 người dân mắc kẹt tại Đà Nẵng) lại tỏ ra khá “dùng dằng”. Từ ngày 4.8, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản nêu chủ trương đưa người từ vùng dịch (người lao động, công tác, du lịch...) trở về và giao Sở LĐ-TBXH phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện. Ngày 9.8, Sở LĐ-TBXH cho biết đã tham mưu và được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý phương án... không thực hiện việc đưa người Quảng Trị đang ở Đà Nẵng có nhu cầu về quê nữa. Nguyên nhân là thời điểm đó Đà Nẵng đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho người lưu trú tại địa bàn rất tốt, trong khi Quảng Trị cũng là địa phương xuất hiện ca bệnh Covid-19 (kể từ ngày 6.8).
Đến ngày 25.8, UBND tỉnh Quảng Trị mới lại đưa vấn đề vận chuyển lao động từ Đà Nẵng về quê ra bàn bạc (thời điểm TP.Đông Hà sau 13 ngày không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 nào). Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng người dân Quảng Trị ở Đà Nẵng cần bình tĩnh, vì ở lại Đà Nẵng họ có thể cách ly tại nhà, còn nếu đưa về Quảng Trị họ sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày và gợi ý địa phương cần tổ chức các đoàn thăm hỏi người dân đang ở Đà Nẵng. Sau khi được giao tiếp tục nghiên cứu phương án đưa người dân về, ngày 27.8 Sở LĐ-TBXH một lần nữa tham mưu, nhưng cũng “nước đôi”. Trong đó, Sở LĐ-TBXH có đề nghị phương án không đưa họ về mà chỉ muốn chính quyền TP.Đà Nẵng, Quảng Nam xem xét hỗ trợ những người mắc kẹt gặp khó; phương án còn lại là đưa công dân Quảng Trị trở về, nhưng cũng khá chung chung.
Đến hôm qua 1.9, Quảng Trị vẫn chưa có quyết định chính thức nào về việc có đưa công dân đang mắc kẹt ở Đà Nẵng trở về quê hay không. Tất cả chỉ dừng ở việc đề các tỉnh, thành Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình tạo điều kiện cho phương tiện vận tải, phương tiện cá nhân qua các chốt kiểm tra liên ngành và cho phép công dân Quảng Trị khi đến các địa phương này không phải áp dụng biện pháp cách ly tập trung.
Xử lý nhiều trường hợp trốn khỏi Đà NẵngTrong khi một số địa phương vẫn đang kết nối chương trình vận chuyển công dân về quê, tình trạng bỏ trốn khỏi vùng tâm dịch tiếp tục xảy ra. Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các chốt kiểm soát, các Trạm cửa ô tiếp tục tăng cường tuần tra, ngăn chặn các trường hợp rời Đà Nẵng về quê trái phép.
Một số vụ việc phát hiện gần đây đáng chú ý có: xe khách BS 14B - 029.60 dừng đón khách trên đường tránh Nam Hải Vân sáng 29.8, chở 10 người về Quảng Trị, Quảng Bình nhưng không làm các thủ tục khai báo, xét nghiệm y tế. Ô tô BS 51F - 075.25 chở 6 người về Quảng Bình hôm 25.8, trong đó hành khách đặt chỗ qua mạng với giá 800.000 đồng/người. Nhóm 6 lao động phổ thông quê ở H.Triệu Phong (Quảng Trị) đi xe máy vượt đèo Hải Vân hôm 27.8, họ khai thất nghiệp muốn rời Đà Nẵng về quê tìm việc.
Nguyễn Tú
|
Bình luận (0)