Còn nhớ hơn 3 năm về trước, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng nói rằng “người nuôi cá tra đã kiệt quệ”. Nhưng khó khăn đó đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Đến bây giờ thì họ không còn hy vọng gì vào sự hồi sinh của nghề và phải chuyển sang nuôi các loại cá khác để kiếm sống qua ngày. Trường hợp tương tự cũng đang diễn ra ở những cánh đồng tôm có tiếng trong vùng. Khi mà những đồng vốn ít ỏi của người nuôi tôm bị dịch bệnh cuốn trôi theo hàng chục ngàn hecta tôm chết. Trên bờ, bà con nông dân trồng dừa, mía, bưởi... đã phải đốn bỏ để chạy theo một số loại cây trồng khác. Việc này, thiết nghĩ ngay cả bản thân những người nông dân cũng ý thức được rằng họ đang tham gia trò “đánh bạc” mà cơ hội thắng là rất mong manh. Nhưng cũng biết làm sao hơn được, cứ phải cố gắng “vùng vẫy” rồi trông chờ vào số phận.
Hay như ở cây lúa, làm ra nhưng bán chẳng được giá, thua lỗ thường xuyên nhưng họ vẫn được khuyến khích tăng vụ. Ở một chừng mực nào đó, việc này đã góp phần làm hao mòn nguồn lực xã hội mà cụ thể ở đây là của nông dân.
Nếu chỉ nhìn vào các con số trong báo cáo về kim ngạch XK thì rõ ràng tình hình vẫn còn rất khả quan. Nông nghiệp, nông thôn vẫn còn có thể là điểm tựa, là niềm hy vọng của nền kinh tế. Thế nhưng ít ai biết rằng, trong hoàn cảnh sản xuất trong nước đang gặp khó khăn thì sự tăng trưởng XK có sự trợ lực từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điển hình nhất là trường hợp của ngành thủy sản. Chúng ta luôn tự hào về thế mạnh của mình, nhưng có lẽ nên nhìn nhận lại vì nó chẳng còn mạnh như chúng ta vẫn nghĩ.
Thực trạng của ngành nông nghiệp hiện nay do chúng ta phát triển tự phát, manh mún, không có kế hoạch... những điều này ai cũng biết nhưng đã bao nhiêu năm rồi không cải thiện được. Chỉ có những nông dân - những người được xác nhận là nghèo nhất trong xã hội thì vẫn loay hoay với cái nghèo đó mà không tìm được hướng ra.
Chí Nhân
Bình luận (0)