Nguyên nhân chính được cho là những chỉ số, tiêu chí được đưa ra để chấm điểm các địa phương vẫn chưa phù hợp.
Chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng
Trình bày báo cáo nghiên cứu tổng kết thực tiễn về đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh ở VN, tại hội thảo tham vấn công tác xây dựng bộ tiêu chí chấm điểm PCTN sáng 28.3 , ông Nguyễn Bình Minh (nhóm nghiên cứu thuộc Dự án thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN) cho biết sau 2 năm thực hiện, kết quả đánh giá bước đầu đã đảm bảo tính trung thực, khách quan, chi tiết do được dựa trên những tiêu chí và chỉ số cụ thể.
tin liên quan
Lúng túng kiểm soát xung đột lợi ích để chống tham nhũngÔng Nguyễn Hải Bình, Chánh thanh tra TP.Hải Phòng, nhìn nhận các chỉ số hiện đang được áp dụng để chấm điểm chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng hiện nay. Đây chính là lý do mà TTCP không công bố báo cáo PACA Index một cách rộng rãi. Giải thích thêm, Phó cục trưởng Cục PCTN thuộc TTCP Phí Ngọc Tuyển thừa nhận sau 2 năm thực hiện thí điểm, bản thân ông vẫn băn khoăn về tính toàn diện của bộ chỉ số nên việc công bố báo cáo này có tính giới hạn. Ông Tuyển cũng khẳng định, vẫn còn độ khập khiễng trong nhiều chỉ số thành phần dù bộ khung đã được xây dựng tương đối tốt.
Cần một hội đồng thẩm định
Một vấn đề khác được nêu ra tại hội thảo là xây dựng cơ chế để tổ chức chính trị, xã hội tham gia vào đánh giá công tác PCTN ở địa phương. Theo ông Phí Ngọc Tuyển, phương pháp đánh giá hiện nay là các tỉnh tự chấm điểm theo bộ tiêu chí, sau đó TTCP sẽ tiến hành rà soát lại và công bố.
“Cách làm này khiến kết quả đưa ra có vẻ là đơn nhất của các cơ quan nhà nước mà thiếu đi sự tham gia của các tổ chức xã hội và các cơ quan nhà nước khác”, ông Tuyển nói và cho rằng cần phải tìm ra phương thức để có sự tham gia của nhiều tổ chức trong xã hội, tạo tính đa chiều, sức lan tỏa và độ chính xác cao hơn cho báo cáo PACA Index.
Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Tráng, Thanh tra Bộ Nội vụ, đề nghị việc rà soát, giám sát kết quả tự đánh giá của các địa phương cần có sự tham gia của Ban Nội chính T.Ư và T.Ư MTTQ VN bên cạnh TTCP. Còn đại diện Ban Nội chính T.Ư cho rằng có thể nghiên cứu mô hình hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác PCTN ở địa phương do Thủ tướng Chính phủ thành lập, dựa trên nòng cốt là TTCP.
“Nếu thành lập một hội đồng thẩm định thì vẫn đảm bảo tính độc lập trong kết quả rà soát và vẫn có thể phối hợp giữa các cơ quan như Ban Nội chính T.Ư hay MTTQ mà không cần quy định cứng cơ quan nào”, vị này nói thêm.
Trong phác thảo bộ chỉ số năm 2018, nhóm nghiên cứu đề xuất 5 tiêu chí đánh giá với thang điểm 100, gồm: số lượng, tính chất, mức độ vụ việc, vụ án tham nhũng (5 điểm); xây dựng và hoàn thiện pháp luật về PCTN (16); thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (49); phát hiện và xử lý tham nhũng (18); thu hồi tài sản (12) thay vì 4 nội dung, 17 tiêu chí như bộ chỉ số đang thí điểm.
Góp ý sau đó, nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí về số lượng, tính chất, mức độ vụ việc, vụ án tham nhũng chỉ làm một tiêu chí mang tính chất thống kê, không thể hiện rõ hoạt động PCTN ở địa phương nên không nên đưa vào khung tiêu chí chính mà chỉ nên là một tiêu chí thành phần.
Đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Hải Bình, bộ chỉ số cần thiết kế cơ chế trừ điểm chứ không đơn thuần chỉ tính điểm cộng. “Nếu như vụ việc có dấu hiệu tham nhũng mà không chuyển cơ quan điều tra hoặc trước báo cáo không phát hiện dấu hiệu tham nhũng mà sau đó cơ quan cấp trên vào thanh kiểm tra phát hiện thì phải trừ điểm. Có như vậy mới khuyến khích được hoạt động PCTN ở địa phương”, ông Bình nói.
|
Bình luận (0)