Lúng túng kiểm soát xung đột lợi ích để chống tham nhũng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/03/2019 04:47 GMT+7

Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần đầu tiên công bố đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt là quy định về kiểm soát xung đột lợi ích như một biện pháp phòng chống tham nhũng .

Dự thảo của Thanh tra Chính phủ được công bố tại hội thảo tham vấn tổ chức ngày 27.3, đưa ra 3 tình huống xung đột lợi ích, gồm: người có chức vụ, quyền hạn hoặc vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của người đó có cổ phần, góp vốn, tham gia hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực do người đó trực tiếp quản lý; người có chức vụ, quyền hạn có vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đó; người có chức vụ, quyền hạn có khả năng tác động không đúng đắn, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác minh, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng.

Bố làm giám đốc sở, con phải đi làm chỗ khác

Cần phải quy định rõ, chẳng hạn bốlàm giám đốc sở thì con phải làm chỗ khác để tránh xung đột lợi ích
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó chánh thanh tra tỉnh Hòa Bình
Góp ý dự thảo, ông Cung Phi Hùng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, cho rằng quy định như dự thảo rất khó áp dụng trong thực tế. Theo ông Hùng, xung đột lợi ích là khái niệm rất mới, luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) đã quy định chung chung rồi nên nếu nghị định cũng quy định chung chung nữa thì rất khó áp dụng. Từ đó, ông Hùng kiến nghị phải giải thích rõ xung đột lợi ích là gì, đồng thời liệt kê chi tiết những tình huống về xung đột lợi ích trong thanh tra, PCTN để dễ triển khai trong thực tế.
Cùng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng, Phó chánh thanh tra tỉnh Hòa Bình, cho rằng các tình huống về xung đột lợi ích được quy định trong dự thảo không rõ ràng và bao quát được hết các tình huống thực tế. “Nếu bố là giám đốc sở tài chính, con làm trưởng phòng ngân sách thì có phải là xung đột lợi ích không. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp như thế”, ông Dũng nêu và kiến nghị nghị định cần phải quy định rõ, chẳng hạn bố làm giám đốc sở thì con phải làm chỗ khác để tránh xung đột lợi ích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Văn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, lại cho rằng biểu hiện của xung đột lợi ích là vô cùng nhiều và thậm chí không chỉ có mối quan hệ vợ, chồng, con cái mới xảy ra xung đột lợi ích, nên nếu mô tả các biểu hiện, tình huống thì sẽ không bao giờ hết. “Một ông bộ trưởng chẳng dại gì đưa con mình vào chính bộ mình quản lý. Ông ta sẽ nhờ bộ trưởng khác đưa con mình vào làm việc tại bộ kia. Đây cũng là xung đột lợi ích”, ông Văn nhìn nhận và cho rằng, nên tập trung vào các biện pháp để kiểm soát xung đột lợi ích hơn là đi mô tả các biểu hiện và tình huống xung đột lợi ích vì làm vậy “sẽ không bao giờ có lối ra”.

Quan chức về hưu không được kinh doanh

Một điểm mới của dự thảo là quy định thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân sau khi thôi giữ chức vụ quản lý. Theo đó, dự thảo chia các lĩnh vực thực hiện quy định này thành 4 nhóm, tương ứng với 4 thời hạn khác nhau. Nhóm 1 gồm các lĩnh vực quản lý của 14 bộ và cơ quan ngang bộ: Công thương, GTVT, KH-ĐT, LĐ-TB-XH, NN-PTNT, Tài chính, TN-MT, TT-TT, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước VN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, với thời hạn từ 12 - 24 tháng. Nhóm 2 gồm các lĩnh vực quản lý của
6 bộ, cơ quan ngang bộ: GD-ĐT, KH-CN, VH-TT-DL, Y tế, Bảo hiểm xã hội VN và Ủy ban Dân tộc, với thời hạn 6 - 12 tháng. Nhóm 3, gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 3 bộ: Ngoại giao, Quốc phòng và Công an, thời hạn sẽ do bộ trưởng các bộ này quy định. Nhóm 4, gồm chương trình, dự án, đề án, kế hoạch do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt, thời hạn là thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.
Bình luận về quy định này, ông Nguyễn Quốc Văn cho rằng thời hạn không cho quan chức về hưu kinh doanh trong lĩnh vực mình từng quản lý được đưa ra theo kiểu “bốc thuốc”, không thấy rõ căn cứ, kinh nghiệm hay tiền lệ nào. “Tại sao các lĩnh vực lại phải phân thành 3 nhóm khác nhau? Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng 3 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 3 bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao dự thảo giao cho bộ trưởng các bộ này quy định thì tôi nghĩ có vấn đề lắm”, ông Văn nhìn nhận và đề nghị cần phải tìm thêm căn cứ để xác định thời hạn cấm các quan chức về hưu kinh doanh là bao lâu.
Giải đáp thêm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, cho biết việc phân loại các nhóm lĩnh vực là căn cứ một cách tương đối trên khả năng tác động tới các hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực này. Còn về thời hạn, dự thảo đã kế thừa quy định trước đây của Bộ Nội vụ, chứ không phải là “bốc thuốc”. “Riêng đối với 3 nhóm đặc thù là công an, quốc phòng và ngoại giao thì có sự phức tạp nhất định, nên nếu áp dụng thời hạn chung sẽ không phù hợp”, ông Tuấn Anh nói thêm.

Doanh nghiệp tư nhũng nhiễu có thể bị phạt tới 100 triệu đồng

Dự thảo nghị định hướng dẫn luật PCTN sửa đổi cũng đưa ra nhiều quy định mới về vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi. Theo đó, vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi là cơ quan chuyên môn, giúp việc từ cấp huyện đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 2 - 5 năm, tùy đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Một quy định khác là xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 5 - 10 triệu đồng; hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng; các hành vi này nếu như có các tình tiết tăng nặng sẽ bị phạt tiền 20 - 50 triệu đồng. Cùng hành vi trên, nếu có biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân khác để vi phạm hoặc có hành vi trốn tránh, che giấu sau khi vi phạm có thể bị phạt tiền 50 - 100 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.