Chống tham nhũng khu vực tư để doanh nghiệp hoạt động lành mạnh

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/12/2018 07:12 GMT+7

Nhiều chuyên gia cho rằng nhà nước cần tạo được các công cụ, môi trường để các doanh nghiệp có thể hoạt động một cách lành mạnh thay vì phải lựa chọn hối lộ, bôi trơn...

Thống nhất việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực tư, song nhiều chuyên gia cho rằng nhà nước cần tạo được các công cụ, môi trường để các doanh nghiệp có thể hoạt động một cách lành mạnh thay vì phải lựa chọn hối lộ, bôi trơn để giải quyết cho nhanh.
Chống tham nhũng trong khu vực tư như thế nào?
Trao đổi tại hội thảo phòng chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực ngoài nhà nước theo quy định của luật PCTN năm 2018 diễn ra ngày 6.12, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho hay, pháp luật về PCTN trong khu vực tư không phải tới luật PCTN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua mới có, tuy nhiên các biện pháp phòng chống tham nhũng trong khu vực này trước đây chưa đầy đủ, nhất là trong bối cảnh công - tư đan xen, tình trạng doanh nghiệp (DN) sân sau, lợi ích nhóm của quan chức rất phức tạp.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Bên cạnh đó, bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã quy định về các tội tham ô, nhận, đưa hối lộ (các tội tham nhũng) trong cả khu vực công và tư; Công ước LHQ về PCTN mà VN tham gia và đặc biệt là Hiệp định CPTPP vừa được Quốc hội phê chuẩn cũng yêu cầu phải mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực tư. Do đó, theo ông Cường, sự mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực tư trong luật sửa đổi lần này là rất cần thiết.
Để phòng chống tham nhũng trong khu vực tư hiệu quả, chúng ta cần phải đi từ phần hạ tầng, đó là đảm bảo điều kiện kinh doanh, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho cả khối doanh nghiệp tư nhân
Vũ Đặng Hải Yến, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban Pháp chế Công ty FLC

Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, khu vực tư có những đặc thù riêng, không thể “bê” nguyên những biện pháp PCTN trong khu vực công sang khu vực tư được. Vì thế, trong lần sửa đổi này chỉ áp dụng một số biện pháp mang tính chất quan trọng, cần thiết và cũng chỉ áp dụng với một số đối tượng nhất định. Cụ thể, theo ông Cường, luật PCTN chỉ quy định 3 hành vi tham nhũng trong khu vực tư, gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ; trong khi đối với khu vực công quy định tới 12 loại hành vi khác nhau. Việc áp dụng một số biện pháp của khu vực công sang khu vực tư cũng chỉ thực hiện với DN là công ty đại chúng và tổ chức tín dụng những đối tượng mà khi xảy ra tham nhũng có thể ảnh hưởng tới đông đảo người dân, thậm chí là nền kinh tế…
Bình luận những quy định về PCTN trong khu vực tư, bà Catherine Phương, Trợ lý giám đốc quốc gia, Chương trình phát triển LHQ (UNDP) nêu vấn đề, điều 79 luật PCTN sửa đổi vừa thông qua có quy định về việc các DN xây dựng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ để phòng ngừa tham nhũng là điểm mới và tiến bộ, phù hợp với xu thế; tuy nhiên không rõ đây là quy định mang tính bắt buộc hay tùy nghi. Một vấn đề khác, theo bà Catherine Phương là quy định việc Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, thanh tra tỉnh sẽ thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng (điều 81) sẽ khơi gợi nhiều tranh luận vì nhiều người đặt ra năng lực thực thi của các cơ quan được giao trách nhiệm như thế nào từ kinh nghiệm, nhân lực cũng như tài chính.
Ông Đỗ Thế Anh, Tổ chức hướng tới minh bạch (TT) thì cho rằng, hiện nay các công ty đại chúng và tổ chức tín dụng đã có 2 cơ chế kiểm tra, giám sát là từ phía Ngân hàng Nhà nước (với tổ chức tín dụng) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (với các công ty đại chúng), do đó khi triển khai quy định việc thanh tra đối với 2 đối tượng này về PCTN cần phải đảm bảo không bị trùng lặp, chồng chéo, khiến các DN phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của mình. Ông Thế Anh đề xuất, phải quy định rõ về việc xử phạt hành chính đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng vi phạm quy định tại luật PCTN để DN biết hành vi nào là vi phạm để tránh và phòng ngừa.
Từ góc nhìn của tổ chức hỗ trợ DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng, PCTN ở khu vực tư là rất cần thiết, song cần kết hợp với nhiều công cụ khác từ quản trị DN, thực hiện thanh toán tiền mặt, minh bạch tài chính... “Cần phải có một chương trình lớn hơn là một đạo luật. Đó là một khung khổ pháp luật lớn hơn để không chỉ luật PCTN mà các luật chuyên ngành khác cũng phải bám vào khung khổ này”, ông Tuấn nêu vấn đề.
Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, trong việc chống tham nhũng ở khu vực tư, vai trò của nhà nước là rất lớn, đặc biệt là trong việc hoàn thiện các chính sách, quy trình để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, các quy định pháp luật đảm bảo tính khả thi. Theo ông Tuấn, môi trường cạnh tranh ở VN hiện nay chưa lành mạnh, nhiều quy định không khả thi nên nhiều DN vi phạm nhưng nghĩ là bình thường.
Điều này dẫn đến tình trạng quan hệ, bảo kê, hình thành các hành vi bôi trơn, hối lộ. “Tôi vẫn nói tình trạng lưỡng nan của DN kinh doanh tại VN chính là “ai sẽ sợ đèn đỏ khi ai cũng đều vượt”, tức là các quy định được ban hành nhưng không khả thi, không có ai thực hiện cả”, ông Tuấn nêu và cho rằng, chống tham nhũng khu vực tư trước hết phải bắt đầu từ tính khả thi của các quy định pháp luật.
Bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban Pháp chế Công ty FLC nêu vấn đề, nếu các DN coi việc hối lộ như một công cụ để đạt đến mục đích trong hoạt động kinh doanh thì về nguyên lý để loại bỏ công cụ này cần phải cho người ta một công cụ khác.
Nữ luật sư này cho rằng, có một công cụ tốt hơn để các DN lựa chọn, đó là sự minh bạch của pháp luật theo nguyên tắc DN được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, song tại VN việc thực hiện nguyên tắc này vẫn rất khó khăn vì khi có một vấn đề nào chưa được quy định thì bộ này đổ cho bộ kia, dẫn đến DN vẫn quay lại lựa chọn công cụ hối lộ để giải quyết nhanh. “Để PCTN trong khu vực tư hiệu quả, chúng ta cần phải đi từ phần hạ tầng, đó là đảm bảo điều kiện kinh doanh, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho cả khối DN tư nhân”, bà Yến nêu vấn đề.
Bên cạnh việc đưa ra “lựa chọn” tốt hơn cho DN, theo bà Yến cần có các biện pháp mang tính răn đe. Theo đó, hiện nay, bộ luật Hình sự vẫn chưa quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân thương mại đối với tội hối lộ. “Nếu nhà nước thực sự mạnh tay thì hãy coi DN thực hiện hối lộ là một tội phạm và phải chịu truy tố DN chứ không chỉ là cá nhân trực tiếp thực hiện hành vi”, bà Yến đề xuất.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay, việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân hiện đã được quy định trong bộ luật Hình sự nhưng tới nay vẫn chưa truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân nào.
Tuy nhiên theo ông Cường, hiện nay khi một cá nhân đưa hối lộ, khi xử lý thì người đứng đầu cũng bị xử lý chứ không chỉ là một cá nhân. Còn ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện các cơ quan tư pháp và các cơ quan của Quốc hội cũng đang nghiên cứu, đánh giá để có hướng dẫn thêm, giúp quy định xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân đi vào thực tiễn vì đây là vấn đề không đơn giản. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh khẳng định, đây là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để có sự điều chỉnh trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.