Khoảng 6 giờ cùng ngày, lốc xoáy quét qua các thôn Đông Trường, Trung Trường và Mỵ Trường (xã Hải Trường, H.Hải Lăng). Theo thống kê sơ bộ của UBND H.Hải Lăng, khoảng 93 nhà dân, 5 nhà thờ, 1 trụ sở hợp tác xã bị thiệt hại sau trận lốc xoáy này, trong đó có phân nửa số nhà bị tốc mái trên 50%...
Theo ghi nhận tại hiện trường của Thanh Niên, ngoài nhà cửa tại xã này còn có khoảng 15 ha rừng trồng (chủ yếu là keo lai) bị bật gốc và rất nhiều diện tích hoa màu bị hư hại chưa kịp thống kê. Cũng tại H.Hải Lăng, lốc xoáy tại xã Hải An, xã Hải Khê và Hải Quế khiến 15 nhà, 1 sân khấu ngoài trời bị tốc mái. Các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ cũng xảy ra lốc xoáy mạnh làm 4 nhà sập và gần 60 nhà tốc mái. Hàng loạt trận lốc xoáy tại Quảng Trị làm bị thương 7 người, trong đó có 2 trường hợp nặng là của anh Trần Văn Túy (thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền) và 1 người dân ở thôn Hà Lợi Trung (xã Trung Giang) đều bị gãy tay. Lốc xoáy tại các địa bàn cũng đã làm đổ rạp 275 ha lúa vụ đông xuân và hơn 50 ha rau màu các loại.
Sáng qua, lốc quét qua 2 xã Nghi Vạn và Nghi Thái (H.Nghi Lộc, Nghệ An). Tại xã Nghi Vạn, gió lốc khiến 1 người bị thương, làm tốc mái 30 ngôi nhà, gãy 3 cột điện, thiệt hại 300 ha lúa, 15 ha ngô đổ ngã. Tại xã Nghi Thái, tốc mái hơn 20 ngôi nhà, gãy đổ nhiều cây cối, nhiều hoa màu bị hư hại. Chiều cùng ngày, đoạn giao nhau giữa đường Lê Nin và đường Phùng Chí Kiên (TP.Vinh) xảy ra lún sụt trên diện tích 20 m2, làm cống thoát nước ra kênh Vếch Bắc bị nứt toác. Tiểu ban Quản lý dự án phát triển đô thị TP.Vinh đã tổ chức phong tỏa hiện trường, xác định nguyên nhân và khắc phục sự cố.
Tại Thừa Thiên-Huế, hơn 40 ngôi nhà trên toàn tỉnh bị tốc mái 25 - 70%. Tại H.Nam Đông đang thi công giai đoạn 2 tuyến đường La Sơn - Nam Đông xảy ra 5 điểm sạt lở lớn làm bồi lấp các cống ngầm, cầu, đường; hơn 310 ngôi nhà của người dân bị nước ngập, đất đá trôi vào nhà. Tại Quảng Bình, lốc xoáy làm 234 ngôi nhà bị tốc mái.
Tại Đà Nẵng, bão số 4 làm ngập 145 nhà dân ở H.Hòa Vang cùng nhiều tuyến đường, chìm 2 tàu cá, 1 tàu mắc cạn, ngập úng 42,5 ha lúa, cuốn trôi 3,5 tấn cá, 300 gia cầm, gãy 25 biển báo, sạt lở, bồi lấp 300 m2 đường nông thôn. Mưa lớn gây ngập cầu sông Vàng qua QL14G, ách tắc giao thông do sạt lở tại 9 điểm, đường Trường Sơn Đông qua Quảng Ngãi bị sạt lở tại Km 175A, đá rơi ở Km 175D, đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam bị sạt lở ở Km 420, Km 423... Ngành điện miền Trung cũng bị cây ngã đổ gây thiệt hại do sản lượng điện không cung cấp được khoảng 400.000 kWh, thiệt hại ước khoảng 1 tỉ đồng. Ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty công viên cây xanh TP.Đà Nẵng xác nhận bão làm thiệt hại 521 cây xanh (145 cây gãy đổ hoàn toàn, 376 cây ngã, nghiêng thân). Cây gãy ngã nhiều nhất ở đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Cảnh (công viên P.Thuận Phước) do trước đây đơn vị làm đường trồng cây lớn, không hợp lý với đường kính 15 - 20 cm, hệ rễ yếu.
Tại Quảng Nam, đến chiều 13.9, các tuyến giao thông lên vùng cao H.Tây Giang (Quảng Nam) từ A Xan đi Ch’Ơm và Gary vẫn bị tắc do sạt lở, hậu quả của mưa lũ lớn sau bão số 4 và một số thủy điện nhỏ xả lũ. Lũ dâng cao trên sông Vàng khiến các phương tiện giao thông từ TP.Đà Nẵng lên H.Đông Giang phải đi vòng sang H.Nam Giang. Tại khu vực trung du, lũ dâng cao trên đường ĐT 611 tại H.Nông Sơn vào khoảng 3 giờ 30 ngày 13.9 đã cuốn trôi chiếc taxi BS 43A-163.80 đang chạy từ TP.Đà Nẵng lên, rất may tài xế kịp thoát ra ngoài.
Tại Quảng Ngãi, mưa to, nước sông Trà Bồng dâng cao cũng cuốn trôi cầu gỗ Đồng Min dài hơn 200 m bắc qua sông Trà Bồng nối hai thôn Mỹ Huệ và thôn Đồng Min (xã Bình Dương, H.Bình Sơn).
3 tàu cá: QNg 44627 TS, QNg 92936 TS, QNg 92026 TS bị mắc cạn và sóng lớn đánh chìm tại khu vực cửa Đại (xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) và cảng Sa Kỳ (H.Bình Sơn); hàng trăm ha lúa, rau màu bị ngã đổ, ngập úng gây hư hại nặng. Rạng sáng 13.9 ông Nguyễn Hùng (42 tuổi, ở xã Bình Dương, H.Bình Sơn) trong lúc mặc áo mưa quay máy nổ sục khí cho tôm đã bị gió mạnh cuốn vào trục máy làm chết tại chỗ.
Tại Gia Lai, nhiều đoạn trên tỉnh lộ 666, con đường duy nhất vào 5 xã vùng đông sông Ayun gồm Đê Ar, Đăk Trôi, Kon Chiêng, Kon Thụp, Lơ Pang của H.Mang Yang bị ngập nhiều đoạn. Hàng ngàn hộ dân ở khu vực 5 xã trên bị cô lập hoàn toàn. Một người bị tai nạn lao động nhưng do đường ngập nước không thể chở ra cấp cứu tại bệnh viện, đã tử vong.
Siêu bão cấp 17 vào Biển Đông
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lúc 13 giờ ngày 13.9, vị trí tâm của siêu bão bão Meranti ở vào khoảng 20,2 độ vĩ bắc và 124,0 độ kinh đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 300 km về phía đông bắc. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất ở cấp 17 (từ 200 - 220 km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi khoảng 20 km. Đến 13 giờ ngày 14.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ vĩ bắc và 119,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17. Đến 13 giờ ngày 15.9, vị trí tâm bão nằm trên đất liền phía đông tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135 - 150 km/giờ), giật cấp 15 - 16.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cảnh báo do ảnh hưởng của siêu bão Meranti, dự báo, từ sáng 14.9, vùng biển phía đông bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 10 - 14, vùng gần tâm bão đi qua cấp 15 - 17, giật trên cấp 17 khiến biển động dữ dội.
|
Bình luận (0)