Tháng 3 vừa rồi có hai câu chuyện chẳng liên quan song khiến tôi không khỏi suy nghĩ và tự tìm cách lý giải.
Dù đứng chót bảng về năng suất lao động, nhưng người Việt đang dẫn đầu Đông Nam Á về tiêu thụ bia - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Chuyện thứ nhất: Tại cuộc họp với các bộ, ngành cách đây ba tuần về cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn chỉ ra sự tụt hậu của Việt Nam về năng lực cạnh tranh. Ông nói: "Chúng ta giờ đang đứng chót ở khu vực ASEAN, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao mà chấp nhận được. Việt Nam không thể đứng vị trí chót trong ASEAN như thế này".
Lời cảnh báo của người đứng đầu Chính phủ cho thấy một tinh thần cải cách quyết liệt, xuất phát từ việc nhìn thẳng vào sự thật. Tôi hiểu, ông đã rất "gan ruột" để bày tỏ thành lời như vậy.
Chuyện thứ hai: Cũng cách đây ba tuần, cả thế giới đều hướng về đảo quốc Singapore để tỏ lòng thương tiếc cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. 150 nguyên thủ và cựu nguyên thủ trên thế giới đã đến dự lễ tiễn đưa ông, một cựu thủ tướng với trên 30 năm nắm quyền. Đủ hiểu, thế giới ngưỡng mộ ông đến nhường nào...
Với Việt Nam, Lý Quang Diệu là một người bạn chân thành và thẳng thắn. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất tôn trọng ông Lý dù họ ở hai khuynh hướng chính trị khác nhau. Hai người từng trao đổi thẳng thắn cùng nhau nhiều vấn đề lớn về phát triển của Việt Nam. Có lần, tôi được cựu Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư kể cho nghe một câu chuyện khá thú vị về tư duy cũng như tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu.
Ông Đặng Vũ Chư kể rằng trong các chuyến công du nước ngoài của ông, lần để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc là cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông Chư nhớ mãi những nhận xét của ông Lý Quang Diệu hôm đó, đại ý rằng: Theo lý thuyết của các ông (ý nói các nhà lãnh đạo Việt Nam), chủ nghĩa xã hội thắng chủ nghĩa tư bản là ở năng suất lao động. Mà năng suất lao động của các ông lại thấp hơn chúng tôi thì hỏi làm sao thắng được? Cái mà các ông gọi là phân phối theo lao động thì chúng tôi cho đó là bóc lột; còn cái mà các ông gọi là bóc lột thì chúng tôi cho đó là phân phối theo lao động. Muốn phát triển được đất nước, phải cho người dân được thật sự dân chủ, dân chủ trong kinh tế, dân chủ trong xã hội. Ở đó, các thành phần kinh tế được tự do phát triển, bình đẳng trước pháp luật...
Ông Đặng Vũ Chư cho rằng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã là người tiên phong thức tỉnh chúng ta sau những lời nhận xét không xã giao của nhà lãnh đạo Singapore. Ông Đặng Vũ Chư thổ lộ rằng chính ông cũng rất thấm thía điều này, nhưng khi tôi xin phép được viết ra, ông gạt ngay đi, "tôi nói chỉ để cậu biết thôi, vì nó cũng khá tế nhị"...
Nay, chuyện cũng đã lùi xa. Gần đây Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức hội thảo, đưa ra cách nhìn mới hơn về khái niệm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Kể lại chuyện này vào dịp ông Lý Quang Diệu từ trần, theo tôi cũng là cách bày tỏ sự tri ân với người đã khuất.
Trở lại câu chuyện tụt hậu, nếu so với một số nước thuộc châu Á hoặc ngay trong khối ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa. Theo số liệu cuối năm 2014 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam còn kém Hàn Quốc 10 lần, kém Singapore 15 lần, kém Malaysia 5 lần và kém Thái Lan 2,5 lần.
Công cuộc đổi mới của đất nước ta đã trải qua 30 năm. Phàm cái gì gọi là "mới", theo tôi, có lẽ chỉ có giá trị trong vòng chục năm thôi, sau đó khó có thể gọi là "mới" nữa. Đổi mới đã mang lại rất nhiều thành tựu, nhưng đã đến lúc cần nhìn lại, điều chỉnh, sửa đổi cho thích hợp hơn. Nếu không, nó sẽ không còn là động lực mạnh mẽ đưa đất nước tiến lên.
Bình luận (0)