Lời cảnh báo từ Đà Lạt mưa ngập

27/06/2023 04:14 GMT+7

Trong lịch sử phát triển Đà Lạt, không phải là chưa từng xuất hiện cảnh ngập lụt tại thành phố cao nguyên này. Tuy nhiên, đó là khi hạ tầng đô thị còn chưa hoàn thiện, việc điều tiết mạng lưới dòng chảy các hồ nhân tạo trong thành phố còn chưa thực sự bài bản.

Khi quy hoạch đô thị đã đi vào ổn định, chuyện mưa to gây ngập cục bộ một số điểm nhà vườn men theo suối Cam Ly thi thoảng có xảy ra nhưng không nghiêm trọng. Nước rút đi rất nhanh và không gây ra thiệt hại đáng kể.

Tuy nhiên, gần đây, hình ảnh một Đà Lạt (chưa kể Bảo Lộc) thường xuyên ngập nặng sau mưa lớn không chỉ ở những khu vực ven suối Cam Ly mà còn cả những tuyến đường ven hồ Xuân Hương, các con phố trung tâm... đang cho thấy hệ lụy nhãn tiền của việc mất kiểm soát trong xây dựng và lỗi quy hoạch trong một thời gian dài.

Báo chí, chuyên gia quy hoạch đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến Đà Lạt ngập lụt, nhưng tựu trung là hệ thống thoát nước đô thị không gánh được mức độ bê tông hóa quá nhanh, độ nén đô thị quá cao. Trên toàn bộ thành phố, những mảng đất trống đã không còn đủ lớn để rút nước theo cơ chế tự nhiên. Ngay cả những nhà vườn ngoại ô, đa số cũng bị lấp kín nhà ở do sự chuyển đổi công năng bất động sản "hoang dã" trong một thời kỳ dài; phần đất còn lại thì đa phần bị phủ che bởi nông nghiệp nhà kính.

Dĩ nhiên, không thể phủ định việc thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu cũng đang đặt mọi đô thị toàn cầu trước những bài toán ứng phó khó khăn. Thế nhưng, bài toán khó ấy, với một thành phố trên cao nguyên, có lẽ sẽ dễ dàng tìm ra lời giải hơn những đô thị ven biển hay đồng bằng. Rất tiếc, có lẽ các cơ quan chức năng Đà Lạt khi quy hoạch đã không đặt trên các cơ sở phát triển đô thị bền vững mà bận tâm nhiều với các phép tính đặt trên từng mét vuông bất động sản?

Tình trạng ngập lụt đô thị ở Đà Lạt xảy ra trong vài năm gần đây ngày một nghiêm trọng và với tần suất ngày càng cao nhưng chưa thấy giải pháp quy mô và có tính tương lai bài bản nào được đưa ra. Trong khi đó, dân số tiếp tục đà tăng, mật độ xây dựng bê tông hóa sẽ ngày càng cao, diện tích nông nghiệp nhà kính không giảm, sức nén khu trung tâm ngày càng lớn trong khi hệ thống điều tiết nước các hồ nhân tạo, hạ tầng xử lý thoát nước không hứa hẹn theo kịp... sẽ là nguyên nhân dẫn đến viễn kiến Đà Lạt trở nên nhạy cảm và yếu ớt trước thiên tai, thời tiết cực đoan hơn bao giờ hết.

Thay vì ngồi tính toán kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng lấp kín các mảng xanh ít ỏi còn lại bằng những công trình đồ sộ, thì có lẽ chính quyền Đà Lạt cần sớm tìm ra giải pháp nền tảng, thực chất để xử lý các vấn đề hệ lụy từ quá tải xây dựng, lỗi quy hoạch đã và đang gây ra.

Người Đà Lạt và du khách tát nước, bơi xuồng, bắt cá trên đường... không phải là những hình ảnh truyền thông sống động cho một thành phố thanh lịch, hiền hòa. Mà đó thực sự là một lời cảnh báo nghiêm trọng! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.