Còn biết bao cơ quan nhà nước hiện nay, đặc biệt là ở những cơ quan tiếp xúc nhiều với dân, trong đó có một số cơ quan gọi là "có chút quyền lực", đang thiếu đi những lời chào, những nụ cười trước người dân đến với mình. Đó là câu chuyện rất đáng suy ngẫm.
>> Nghiêm khắc xử phạt cán bộ, công chức lơ là tiếp dân
>> Cán bộ, công chức phải biết tôn trọng người dân
>> Cán bộ công chức chạy trốn đoàn kiểm tra
>> Dân “chấm điểm” cán bộ công chức
Từ xưa, cổ nhân đã có cách giáo dục về ứng xử giữa con người với nhau rất tinh tế. Nếu ai được biết, được gặp lớp người Hà Nội xưa và người Sài Gòn trước giải phóng thì từ trẻ tới già, câu nói cửa miệng với họ luôn là "dạ" với "thưa", rất lịch sự kèm theo cái cúi đầu, khoanh tay khi chào người cao tuổi hơn mình.
Tôi không hiểu sao, cái được xem như nét bản sắc và đậm đà văn hóa ứng xử của người Việt kia, sao cứ vợi dần trong đời sống, đặc biệt kể từ sau ngày đất nước thống nhất. Mặc dù chúng ta luôn nhắc nhở, thậm chí còn đưa cả vào Nghị quyết, gọi là "phát huy truyền thống Văn hóa dân tộc vào đời sống?". Song hình như chưa được nhà trường và gia đình quan tâm chuyện này đúng mức.
|
Hôm mới đây, tôi hơi lấy làm lạ và cả cảm động khi bắt gặp một lời chào cùng nụ cười cởi mở của cô nhân viên thu phí ở mấy quầy bán vé xe trên tuyến Quốc lộ 1, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trước sự ngỡ ngàng "như mơ ngủ", tôi hỏi anh bạn lái xe trước hiện tượng lạ ấy thì hóa ra, đây là chặng thu phí do một công ty cổ phần được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam “thuê” thực hiện.
Vậy sao các trạm thu phí khác trên toàn quốc hiện nay, họ không làm thế nhỉ? Tôi thắc mắc thì anh bạn tôi giải đáp: Vì mỗi một "ông chủ" của họ có thể có cách nghĩ khác nhau hoặc do... chưa nghĩ tới. Cao tốc Hà Nội - Lào Cai mới đây, họ cũng có chào khách đấy!
Như vậy có thể nói, tất cả là do chủ trương, là do cách nhìn và sự nắm bắt nhanh nhạy hay lơ là của mỗi nhà quản lý chứ không một cơ quan thượng cấp nào chỉ đạo họ làm hay không làm.
Cách đây khoảng dăm năm, tôi ra Tuần Châu, Quảng Ninh. Trong lần đó, tôi có dịp được ngồi trên chiếc xe JEP do vị "Chúa đảo Tuần Châu" Đào Hồng Tuyển trực tiếp lái, đưa tôi ra tận đại công trường xem công trình hoành tráng mà ông đang nạo vét lòng Vịnh còn ngổn ngang đất đá và cạp bờ để làm khu âu tầu, đón du thuyền như bây giờ, ông kể rằng: "Cái hồi mà ông quyết định đầu tư vào khu du lịch Tuần Châu thì ở trên hòn đảo này, người dân họ làm nghề chài lưới là chính. Vì vậy, các cháu trong độ tuổi lao động rất ít ai được tới trường. Trong khi đó, luận chứng kinh tế kỹ thuật của dự án Khu du lịch Tuần Châu của tôi lại buộc phải có cam kết là tạo việc làm cho con em trên đảo.
Tôi phải đồng ý tiếp nhận các cháu vào làm mà lòng không khỏi lo lắng. Tôi đã bàn với những người thuộc cấp, phải nói rõ cho các em biết khi mình tiếp nhận họ vào làm việc ở khu du lịch, dù chỉ là làm vườn, tưới cây và quét dọn vệ sinh thì khi nào gặp khách cũng phải mỉm cười đon đả. Tôi còn nói, trong số lương mà các em hưởng là đã có cả vài trăm ngàn tiền công mà chúng tôi phụ thêm, đó là khoản "phụ cấp tiền... cười" đấy! Nói thế để các em có ý thức và trách nhiệm".
Chuyện cứ nghĩ đơn giản là thế, ai ngờ cũng không thật dễ chút nào. Song, tại sao với các doanh nghiệp họ làm được, còn với các cơ quan nhà nước lại khó đến vậy?
Còn biết bao cơ quan nhà nước hiện nay, đặc biệt là ở những cơ quan tiếp xúc nhiều với dân, trong đó lại có một số cơ quan gọi là "có chút quyền lực" thì rõ ràng đang thiếu đi những lời chào, những nụ cười trước người dân đến với mình. Đó là câu chuyện rất đáng suy ngẫm.
Thiết nghĩ, bất cứ cơ quan nào, nếu một khi người lãnh đạo để ý một chút và có nhận thức đúng rằng: "Lời chào cao hơn mâm cỗ" là một việc cần đặc biệt quan tâm khi thừa hành công vụ, tôi tin rằng chúng ta đều sẽ làm được và làm tốt.
Hành Thiện (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống và làm việc tại Hà Nội.
Bình luận (0)