Lợi ích nào có biện luận ấy

06/09/2014 02:00 GMT+7

Ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân là kết quả quan trọng nhất trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Úc Tony Abbott.

Giống như Mỹ và Nhật Bản, Úc đã “bước qua lời nguyền” để khởi động khuôn khổ hợp tác với Ấn Độ về hạt nhân. Trong suốt thời gian dài, cả ba đều phản đối việc Ấn Độ không ký kết Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nên không hợp tác với nước này về hạt nhân dân sự.

Năm 2008, Mỹ đã tiên phong hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực này, mở đường cho Nhật và Úc hành xử tương tự. Để biện luận cho quan điểm không nhất quán của mình, họ đều đặc biệt nhấn mạnh đến sự tin cậy vào Ấn Độ. Sự tin cậy, hay đúng hơn là lý do cho lòng tin ấy, khiến cả ba “không còn quan ngại gì” việc New Delhi không tham gia NPT. Từ đó, 3 nước này đều xúc tiến các thương vụ lớn về công nghệ hạt nhân với Ấn Độ còn dư luận có bị thuyết phục bởi lập luận trên hay không là chuyện của dư luận.

Họ làm vậy bởi có lợi ích chiến lược thiết thực và lâu dài trong hợp tác hạt nhân với Ấn Độ. Nhu cầu năng lượng của Ấn Độ rất lớn và không đối tác có điều kiện nào lại bỏ qua cơ hội kinh doanh béo bở này. Bán công nghệ và chất liệu phóng xạ còn dẫn tới ràng buộc lâu dài cũng như chiến lược xây dựng ảnh hưởng ở Ấn Độ và vai trò chính trị an ninh trong khu vực. Trâu chậm sẽ phải uống nước đục bởi cuộc cạnh tranh quyết liệt. Vì thế lợi ích nào thì cũng có lập luận riêng và biện luận hay ngụy biện thì cũng đều thế mà thôi.

Thảo Nguyên

>> Ấn Độ khẳng định tiếp tục hợp tác lâu dài về thăm dò và khai thác dầu khí với VN tại biển Đông
>> Ông Abe tìm kiếm quan hệ an ninh với Ấn Độ, Úc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.