Những video về hành trình hồi phục, làm việc chăm chỉ sau biến cố bị bỏng điện phải cưa mất tay trái của anh Nguyễn Văn Minh nhận được sự động viên từ cộng đồng mạng.
Không thể gục ngã
Gần 1 năm trước, khi trèo lên mái tôn phụ bạn sửa nhà, anh Minh bị điện giật. Vì bỏng nặng nên bác sĩ phải cưa cánh tay trái của anh. Từ người khỏe mạnh với thu nhập tốt của nghề lắp đặt bảng quảng cáo, anh Minh trở thành người khuyết tật. Trải qua 4 lần phẫu thuật, nằm viện hơn 2 tháng, anh chứng kiến nhiều người còn bỏng nặng hơn mình nhưng vẫn gắng sống. Anh không cho phép bản thân gục ngã vì "Mình may mắn hơn nhiều người vì vẫn còn cánh tay phải".
Trở về nhà với cánh tay phải nhưng mất 2 ngón, anh Minh mất nhiều tháng liền để tập cầm nắm. Từ việc tập bóp được quả bóng, cho đến bốc những hạt đậu nhỏ, tay anh dần linh hoạt hơn. Ngay sau khi những vết thương của anh Minh bắt đầu liền sẹo, cô con gái 4 tuổi tên Kim Nhi bị đục thủy tinh thể, mất thị lực hoàn toàn. Gánh nặng đè lên vai chị Nguyễn Hoàng Tuấn Anh (31 tuổi), vợ anh Minh, khi vừa đi làm vừa lo toan mọi thứ… "Tôi từng rất tự ti và lo lắng khi không biết phải làm gì để kiếm tiền phụ vợ nuôi con. Cơ thể khiếm khuyết, tôi e rất khó xin được việc phù hợp", người cha quê Hải Dương hồi tưởng.
Nhưng hằng ngày, cứ trước khi đi ngủ, Minh lại được nghe những lời cầu nguyện của 2 con mong cho tay của anh mọc lại. Trước điều ước ngây ngô của con, người cha không khỏi nghẹn ngào. "Các con luôn nghĩ đến tôi và nguyện cầu cho tôi nhiều điều tốt đẹp nên tôi không thể phụ lòng", anh Minh tâm sự.
Ngay sau khi khỏe lại, anh Minh quyết định đi mua ve chai về bán cho vựa để kiếm lời. Chỉ còn một tay nên mọi việc như khuân vác, nhặt chai nhựa anh làm lâu hơn người bình thường. Chưa kể, sau tai nạn, sức khỏe anh cũng giảm sút không thể làm việc nặng. "Mình làm với tinh thần 1 đồng cũng quý", anh Minh nói.
Lao động là cách để quên tiêu cực
Mới đây, anh Minh có thêm nghề lột dây điện cũ lấy lõi đồng bên trong bán ve chai. Tuần trước, anh mua 3 tạ dây điện từ một người đàn ông định bán lại kiếm lời nhưng vì mới vào nghề nên bị "hớ", mua phải giá cao. Nếu bán lại sẽ lỗ vốn nên anh quyết định đem về nhà tự lột vỏ lấy lõi đồng bán, hy vọng lấy công làm lời.
Những sợi dây điện cũ "cứng như đá", anh Minh phải dùng kềm để nắn thẳng trước khi lấy dao rọc vỏ. Cùi chỏ tay trái phải đè mạnh để giữ chặt sợi dây đến bầm tím nhưng anh vẫn quyết làm. Tranh thủ mỗi tối vài giờ, vợ chồng anh Minh tách được gần 1 kg dây đồng, bán với giá hơn 100.000 đồng. Sau giờ cơm tối, cả nhà quây quần bên đống dây điện cũ cùng làm việc. Chị Tuấn Anh cầm cây búa, phụ chồng đập để nắn thẳng dây điện, anh Minh thì lấy dao tách vỏ dây. Ba mẹ tách được sợi dây đồng nào, 2 đứa con lập tức tranh nhau xếp gọn vào rổ.
"Vốn làm việc văn phòng, không quen cầm búa nên hôm nào làm xong tay tôi cũng mỏi nhừ. Nhưng thấy chồng cố gắng nên mình phải tiếp sức, động viên", chị Tuấn Anh chia sẻ.
Sau gần 2 tháng bắt đầu với nghề mới, anh Minh cũng được nhiều cửa hàng ở gần khu trọ biết đến. Mọi người thường để dành thùng giấy, chai nhựa… bán cho anh. Thời gian rảnh trong ngày, anh Minh tranh thủ lột vỏ dây điện để kiếm thêm. Tuy vất vả hơn nhưng anh cảm thấy vui vì có thêm việc làm giữa lúc khó khăn, kiếm tiền trang trải trong gia đình. "Làm việc giúp tôi bớt suy nghĩ đến những chuyện tiêu cực khi bản thân trở thành người khuyết tật. Chưa kể, đây cũng là một cách để các con noi theo, biết quý lao động và yêu thương ba mẹ nhiều hơn", anh Minh nói.
Bình luận (0)