Lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất lên đỉnh, phân phối trượt dốc

12/11/2022 07:23 GMT+7

Có một thực tế trong 9 tháng đầu năm, tuy cùng kinh doanh mặt hàng xăng dầu, nhưng kết quả kinh doanh phân 2 thái cực: Doanh nghiệp sản xuất xăng dầu ghi nhận lãi đậm, trong khi phân phối lỗ thê thảm.

Báo cáo kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm của các doanh nghiệp (DN) ngành xăng dầu cho thấy, cùng trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới “nhảy múa” liên tục, khan hiếm nguồn cung, trong khi các DN phân phối chật vật thì đầu mối sản xuất như Nhà máy lọc dầu Bình Sơn lại liên tục tăng công suất, thu lãi đậm.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, doanh thu thuần của DN đạt 39.567 tỉ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế giảm 4%, còn 455 tỉ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá. Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm trong quý 3, biên lợi nhuận gộp lao dốc xuống 1,6% từ mức 20,4% trong quý 2.

Thế nên, tính lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của lọc dầu Bình Sơn đạt 126.717 tỉ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021 và lãi sau thuế đạt 12.899 tỉ đồng, gấp 3,2 lần. Năm 2022, Bình Sơn đặt mục tiêu gần 91.678 tỉ đồng tổng doanh thu, 1.295 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Thế nhưng, sau 3 quý, công ty đã vượt 38% kế hoạch doanh thu và gấp gần 10 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước bị thiếu hụt ở một số địa phương, Nhà máy lọc dầu Dung Quất của DN này cũng vừa nâng công suất lên 112% nhằm giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đây là lần tăng công suất thứ 5 trong năm nay của nhà máy. Công ty chứng khoán VNDirect mới đây dự báo lãi ròng của lọc dầu Bình Sơn năm 2022 sẽ tăng 128% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận lọc dầu tăng đột biến.

Trong khi đó, thị trường xăng dầu biến động mạnh đã tác động không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của các DN phân phối xăng dầu trong quý 3. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 của Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) ghi nhận doanh thu thuần đạt 25.962 tỉ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, công ty lại lỗ sau thuế 373 tỉ đồng trong quý 3, cùng kỳ năm ngoái có lãi gần 57 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Petrolimex đạt 225.697 tỉ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021 song lãi sau thuế giảm 79% còn 498 tỉ đồng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng DN xăng dầu có hoạt động xuất nhập khẩu bị lỗ trong thời gian qua là đúng. Giá thế giới biến động, tỷ giá thay đổi, thêm chi phí từng không được tính đủ… thì DN nhập khẩu lỗ, kinh doanh lỗ là bình thường. Qua đây cũng cho thấy, tuy lọc hóa dầu phụ thuộc nguồn nhập khẩu, nhưng nếu ta tự chủ được phần tinh chế trong nước, vẫn có lợi thế hơn rất nhiều. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận của DN cũng bớt bấp bênh hơn. TS Ngô Trí Long cũng nhận định cuộc khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu hiện nay vẫn ở mức kiểm soát được, nhưng thị trường trong nước lại gặp rất nhiều khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.