Hội thảo nhằm góp ý hoàn thiện dự án trước khi được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV.
Chi phí đào tạo rẻ vẫn thu học phí 40-50 triệu đồng/năm ?
Phát biểu tại hội thảo, GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: " Ở Việt Nam hiện nay, các trường ĐH tư thục có lợi nhuận cao lắm. Ngay tại TP.HCM, dù không tiện nêu tên nhưng tôi có người bạn góp vốn mà chia lời tới 40%”, GS Phạm Phụ nói.
Theo lộ trình đặt ra, Việt Nam cần có 40% sinh viên thuộc trường tư thục. Hiện nay tỷ lệ này chỉ 14-15% và không tăng lên được. Phát triển tư thục là con đường tất yếu nước ta giảm bớt ngân sách, tập trung nguồn lực cho các trường công trọng điểm.
Theo GS Phạm Phụ: “Cứ như hiện nay thì giáo dục ĐH Việt Nam dù có tiến bộ nhưng không bao giờ vươn lên thành ĐH tầm cỡ được. Có trường tư thục thu học phí tới 40-50 triệu đồng/năm dù ngành quản trị kinh doanh chi phí đào tạo rẻ”.
Cũng theo ông Hiệp, Trường ĐH Hoa Sen dù thu học phí ở mức 40-50 triệu đồng/ năm (tuỳ chương trình) nhưng học phí phải đầu tư trở lại cho người học. Cụ thể là những điều kiện học tập tốt nhất với khoảng 20-30 sinh viên/ lớp tiếng Anh, 40 sinh viên/ lớp với môn học khác và rất nhiều hoạt động khác.
“Các trường ĐH nổi tiếng thế giới cũng đều là những trường thu học phí cao đồng thời với những chính sách học bổng hỗ trợ người học. Vấn đề là học phí cao phải tương xứng với chất lượng, người học không phải không biết. Nếu thu học phí cao nhưng chất lượng thấp thì người học sẽ không bao chấp nhận trả tiền”, ông Hiệp nói.
Còn theo tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, điều này cũng có thể xảy ra ở các trường tư thục có ngành kinh tế, xã hội chi phí đào tạo thấp nhưng nếu thu học phí cao thì lợi nhuận sẽ cao hơn. "Không thể nói chính xác bao nhiêu phần trăm nhưng có thể tới 30-40% hoặc hơn tuỳ theo trường. Ở một số trường đang có thực trạng lấy chi phí đào tạo của các ngành nhiều người học để “nuôi” các ngành còn lại", ông Lâm cho biết..
Tuy nhiên theo ông Lâm, nếu thu học phí cao nhưng nhà đầu tư đảm bảo chi phí được đầu tư thích đáng trở lại để phát triển dài hạn với trường, đảm bảo xuyên suốt quyền lợi của người học và người lao dộng thì không vấn đề gì phải bàn cãi.
Liên quan đến hệ thống trường tư thục, tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Áng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho rằng dự thảo yêu cầu các trường tư thục thành lập các tổ chức kinh tế trước khi thành lập trường là không cần thiết.
Ông Áng nói: “Trường ĐH nước ngoài cũng sống bằng học phí, câu chuyện lợi nhuận này phù hợp quy định của pháp luật. Việc tìm kiếm lợi nhuận nhưng vẫn tạo ra được đội ngũ nhân lực có chất lượng cho xã hội thì hà cớ gì chúng ta phải dị nghị về các trường này”.
tin liên quan
Chính sách không phân biệt công - tư trong giáo dụcKhông thực hiện kiểm định bị dừng tuyển sinh 5 năm?
Một số đại biểu tỏ ra băn khoăn về quy định chế tài trong đảm bảo chất lượng ĐH.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, ý kiến: “Điều 33 quy định trường ĐH không thực hiện kiểm định hoặc thực hiện không đạt bị dừng tuyển sinh 5 năm. Điều 34 cũng ghi, nếu vi phạm chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không được tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm tới. Thời gian chế tài này có dài quá không”?.
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM thì cho rằng: “Cần luật hóa chặt chẽ để thực thi những chế tài này, nếu không thực thi được thì quy định không hiệu quả”.
Trước các băn khoăn này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) nhìn nhận: “Nếu nghiên cứu kỹ quy định của nước ngoài thì thấy, chế tài bao giờ cũng nghiêm ngặt để chỉ cần đọc đã không dám vi phạm. Càng tự chủ thì chế tài càng nghiêm khắc”.
Trước những băn khoăn về quy định khống chế giờ giảng tối đa của giảng viên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết sẽ phải rà soát và quy định lại giờ dạy chuẩn.
“Tuy nhiên xu hướng không tăng giờ chuẩn lên để giảng viên tối ngày đi giảng như thợ giảng. Luật sẽ chỉ quy định chung chứ không bất di bất dịch trong hệ thống, làm sao giảng viên cân bằng việc đi dạy và nghiên cứu”, bà Phụng cho hay.
Bình luận (0)