Có nên xem trường ĐH tư thục là doanh nghiệp?

23/01/2018 10:35 GMT+7

Ngày 22.1, Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đã chủ trì hội thảo 'Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ĐH tư thục' vì trong dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi lần 4, có nhiều vấn đề liên quan đến ĐH tư thục.

Đa số đại biểu phát biểu xoay quanh việc tiếp cận ĐH tư thục theo cách nào. Các chuyên gia tiếp tục đề nghị xem xét có nên tiếp cận trường ĐH tư thục là doanh nghiệp (DN) hay không.
Tiến sĩ Phạm Thị Ly, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá giáo dụcTrường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Việc công nhận giáo dục ĐH là một dịch vụ đang ngày càng được chấp nhận nhiều hơn trên thế giới. Một khi chúng ta quan niệm giáo dục ĐH là một dịch vụ thì việc xem xét trường ĐH có phải là DN hay không có thể tìm được câu trả lời. Thật ra giáo dục ĐH là một dịch vụ, cho nên về bản chất các trường ĐH tư là DN là một thực tế”.
Đại diện Trường ĐH Hoa Sen cho rằng hiện nay trường đã hoạt động theo cơ chế như một DN rồi. Đó là chia cổ tức, có đại hội đồng cổ đông…
Tuy nhiên, nhiều đại biểu phản đối điều này. Theo PGS-TS - luật sư Chu Hồng Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT, dù là công lập hay tư thục thì vẫn phải phân biệt rõ nhà trường và DN. “Nhà trường đồng nghĩa với DN là không thể được. Nhà trường là đơn vị sự nghiệp, còn DN là đơn vị kinh doanh. Cho nên, trong luật hiện hành nêu rõ là ít nhất phải dành 25% để đầu tư phát triển. Nhà trường phải liên tục được đầu tư để phát triển lâu dài”, ông Thanh nêu ý kiến.
PGS-TS Trương Quang Mùi, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho rằng trường là trường, DN là DN, ranh giới này không thể xóa bỏ. Trường phải là môi trường sư phạm, ở đó người thầy được tôn vinh, người học được tôn trọng, quan hệ ở đó là quan hệ thầy - trò, đồng nghiệp. Trong khi đó, tại dự thảo luật Giáo dục ĐH lần này, chúng ta đang quy định quyền lực của các nhà góp vốn, các cổ đông, thì môi trường ở đó là quan hệ giữa chủ và người làm thuê; là quan hệ kinh doanh - khách hàng chứ không phải quan hệ của giáo dục đào tạo.
Ở góc độ trung hòa hơn, bà Nguyễn Lan Hương, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho biết nếu coi trường ĐH tư thục là DN thì cũng cần xem là DN có điều kiện.
GS Phạm Phụ cho rằng hiện nay ở VN không thể có trường ĐH phi lợi nhuận nên đừng hy vọng điều này cho đến 20 năm tới. Vì vậy, nên quy định rõ luôn ĐH tư thục là vì lợi nhuận. Nhiều nước châu Á tiếp cận theo hướng ĐH tư thục là phân nửa lợi nhuận. Nghĩa là xem các trường này vì lợi nhuận như các công ty nhưng có chính sách quản lý để các trường không trở thành siêu lợi nhuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.