Lỗi ở ta

21/01/2013 03:00 GMT+7

Điều đáng buồn, đáng phải suy nghĩ nhất khi mổ xẻ nghịch lý càng xuất khẩu nhiều, càng thiệt trong loạt bài Xuất siêu “có tiếng không có miếng” đăng dài kỳ trên Thanh Niên là hầu hết nguyên nhân đều có từ rất lâu và đều do chủ quan trong nước... Tình trạng này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới.

Xuất khẩu thực chất chỉ gia công, hàm lượng gia tăng thấp là vấn đề đặt ra hàng chục năm nay. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục được phân tích không biết bao nhiêu lần nhưng rồi năm này qua năm khác, cuộc họp từ cấp địa phương cho tới trung ương, từ doanh nghiệp tới hiệp hội, cứ nói đến xuất khẩu thì điệp khúc "xuất nhiều lợi ít vì xuất thô" vẫn còn nguyên. Cũng hàng chục năm trước đây, câu chuyện đối tác nước ngoài muốn đặt mua một lượng lớn trái cây, đồ gỗ của VN nhưng không thành dù trong nước lúc đó, các mặt hàng này đầy rẫy, doanh nghiệp vẫn đang bở hơi tai tìm thị trường. Lý do là người được "chào" các hợp đồng nói trên không đủ năng lực đáp ứng nhưng cũng không chịu chia sẻ cho các doanh nghiệp khác. Kiểu "ta không đủ sức ăn thì mi cũng đừng hòng no bụng". Đến nay, hiệp hội thành lập khắp nơi, không có ngành nghề nào là thiếu hiệp hội nhưng doanh nghiệp cá tra thì tự hạ giá nhau để giành giật khách, ngành điều thì nội bộ lục đục... vẫn mạnh ai nấy làm. Không liên kết cũng chẳng chia sẻ. Rồi các dự án xây dựng vùng nguyên liệu, ngành công nghiệp phụ trợ cho da giày, cho dệt may... nói không biết bao nhiêu lần, sự cần thiết và quan trọng của nó ai cũng biết nhưng rồi năm này qua năm khác, vẫn không có...

Nhắc lại để thấy lỗi chính từ chúng ta. Rõ ràng, nỗ lực để đổi từ "lượng sang chất", từ manh mún sang tập trung; từ thô sang tinh... rất ít. Đó là lý do, chúng ta có hàng chục mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu thế giới nhưng nông dân của chúng ta vẫn nghèo, công nhân của chúng ta vẫn khổ, vẫn phải hưởng lương rẻ mạt...

Vậy thì đừng tự hào với các con số to nhưng rỗng của những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới. Khi người nông dân trồng lúa nghèo vẫn hoàn nghèo thì xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới có ý nghĩa gì? Khi lương công nhân vẫn thấp, vẫn không đủ sống thì vui với hào quang của việc dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu dệt may - da giày có đáng vui? Nếu chất lượng cuộc sống của người nuôi, trồng, sản xuất không "tăng trưởng" thì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu để phục vụ cái gì? Chúng ta đã nói quá nhiều nhưng hầu như không làm gì để thay đổi "những vấn đề nội tại của nền kinh tế và cơ cấu xuất khẩu" mà ta vẫn thường đổ lỗi.

Việc nào của nhà nước, việc nào của doanh nghiệp, việc nào của người lao động... đã được phân vai rõ ràng. Lượng tăng thì về cơ bản, người nuôi trồng, sản xuất đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Còn các yếu tố về giống, về vùng nguyên liệu, về liên kết, chiến lược, marketing, xây dựng thương hiệu... để có được giá tốt là của nhà nước và doanh nghiệp. Vậy thì hãy nhìn thẳng vào sự thật, từ bỏ bệnh thành tích, hãy lấy chất lượng cuộc sống của người nông dân, công nhân làm mục tiêu, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu thay vì lao theo số lượng, vị thế... Chỉ có như vậy mới hy vọng giải quyết được nghịch lý giá trị xuất khẩu "to nhưng rỗng" đáng buồn, đáng lo, thậm chí đáng xấu hổ hiện nay.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.