Lối sống của giới nhà giàu Triều Tiên

17/05/2016 06:00 GMT+7

Hiện có khoảng 1% dân số Triều Tiên sống cuộc sống xa hoa góp phần làm bùng nổ chủ nghĩa hưởng thụ kiểu phương Tây ở nước này.

Cách đây vài năm, những tiệm làm đẹp, cửa hiệu xoa bóp, quán ăn cao cấp hay những dấu hiệu khác của chủ nghĩa hưởng thụ không được nghe đến ở CHDCND Triều Tiên nhưng giờ đây chúng dần dần mọc lên ở đất nước này, theo Reuters. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1% dân số Triều Tiên, khoảng 250.000 người, tận hưởng những dịch vụ nói trên.
Nhà giàu mới nổi
Cần 1.000 tỉ USD để tái thống nhất hai miền
Tờ The Economist (Anh) vừa đưa ra ước tính rằng chi phí cho cuộc tái thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ lên tới 1.000 tỉ USD. Tờ báo Anh này mô tả chi phí trên “gây choáng”, chiếm 3/4 GDP của Hàn Quốc, vốn ở vào khoảng 1.400 tỉ USD trong năm 2015. Hàn Quốc sẽ cần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội phục vụ 25 triệu dân Triều Tiên. Tuy nhiên, lợi ích của việc tái thống nhất cũng không nhỏ. Người Triều Tiên sẽ được cải thiện tiêu chuẩn sống trong khi kinh tế Hàn Quốc được tiếp thêm sức sống từ nguồn lao động trẻ dồi dào và nguồn tài nguyên từ miền Bắc. Nguồn tài nguyên ngầm ở Triều Tiên ước tính trị giá khoảng 10.000 tỉ USD, nhiều gấp 20 lần so với Hàn Quốc.
Phần lớn tầng lớp trung lưu mới nổi này sống trong những căn hộ cao cấp ở thủ đô Bình Nhưỡng, được giới ngoại giao Triều Tiên gọi là khu Pyonghattan. Mới đây, nhóm phóng viên The Washington Post đã có bài phóng sự mô tả lối sống của những người ở Pyonghattan và cơ sở vật chất ở đó.
Theo tờ báo Mỹ, nhiều người trẻ thuộc giới nhà giàu ở Bình Nhưỡng thích quần áo của những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như H&M và Zara. Họ hay đến các phòng tập thể dục để muốn cho mọi người thấy là mình đam mê rèn luyện sức khỏe. “Chúng tôi bị buộc phải ăn mặc một cách dè dặt ở Triều Tiên nên nhiều người thích đi đến các phòng tập để có thể khoe hình thể hoặc làn da của mình”, cô Lee Seo-hyeon (24 tuổi) nói với tờ The Washington Post.
Cô Lee, từng cùng gia đình đào tẩu sang Hàn Quốc hồi năm 2014 và hiện sống ở Mỹ, cho biết thêm phụ nữ giàu có ở Triều Tiên thích mặc đồ của nhãn hiệu nổi tiếng Elle còn đàn ông ưa chuộng các nhãn hiệu Adidas và Nike. Nhiều phụ nữ ở Triều Tiên bắt đầu diện quần áo màu sáng và hợp thời như phu nhân nhà lãnh đạo Kim Jong-un là bà Ri Sol-ju, người được đánh giá là ưa thích thời trang.
Tuy nhiên, những loại áo sát nách và váy quá ngắn hoặc nhuộm tóc vẫn bị cấm ở Bình Nhưỡng. “Nếu bạn mặc quần áo quá khêu gợi hay không phù hợp với kiểu cách Triều Tiên, cảnh sát có thể ghi sổ và sau đó tên bạn sẽ bị loan báo trên đài phát thanh”, cô Lee cho hay. Cũng theo The Washington Post, nhiều quý bà ở Bình Nhưỡng đang có xu hướng phẫu thuật mắt hai mí và nâng mũi để trông giống người phương Tây hơn. Phẫu thuật mắt hai mí ở Bình Nhưỡng có giá từ 50 đến 200 USD, tùy vào tay nghề của bác sĩ phẫu thuật.
Giới nhà giàu ở Pyonghattan còn tận hưởng dịch vụ ẩm thực cao cấp. Họ thường uống cà phê pha kiểu Ý, ăn ở những nhà hàng sang trọng. Chẳng hạn, tại một khu phức hợp ở trung tâm Bình Nhưỡng có nhà hàng quảng cáo cho thuê tổ chức tiệc cưới 500 USD/giờ và một cửa hiệu cà phê với giá hầu hết của các loại thức uống từ 4 - 8 USD. “Khi ở trong đó, bạn có cảm giác như đang ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”, ông Andray Abrahamian, một người Anh đang tổ chức một chương trình trao đổi nhằm huấn luyện về tài chính cho người Triều Tiên, nói với tờ The Washington Post.
Ngoài ra còn nhiều dấu hiệu khác cho thấy ngày càng có nhiều người ở Bình Nhưỡng có “của ăn, của để”. Đó là có tới 5 - 6 công ty cung cấp dịch vụ taxi và nhiều người dẫn chó cưng đi cùng, một hình ảnh không bao giờ được thấy ở Triều Tiên cách đây 5 năm. Vào những ngày cuối tuần, nhiều gia đình đến nhà hàng, quán ăn cao cấp để thưởng thức các món bánh, kem và cocktail, theo tờ The Economist.
Kinh tế ngoài luồng
Những người thuộc tầng lớp trung lưu giàu có ở Triều Tiên còn được gọi là Donju (người có tiền) và giới này đang nổi lên nhờ nền kinh tế không chính thức đang phát triển mạnh, theo Reuters. Nhiều Donju kinh doanh tiền tệ trong những thị trường không chính thức hoặc thiết lập các doanh nghiệp nhỏ. Có một số doanh nghiệp vận hành theo hình thức hợp tác công - tư, trong đó nhân viên doanh nghiệp nhà nước được phép lập công ty gần như tự chủ.
Còn theo The Washington Post, Donju thường nắm một số vị trí trong chính quyền, quản lý các doanh nghiệp nhà nước ở nước ngoài hoặc có nhiệm vụ thu hút vốn đầu tư vào Triều Tiên. Mặt khác, họ được kinh doanh mọi thứ có thể, từ ti vi màn hình phẳng đến căn hộ. Số tiền họ kiếm được hiện chảy vào xã hội, thông qua các trung tâm giải trí và nhà hàng cao cấp, tạo ra sự bùng nổ về mua sắm. Một số người Triều Tiên đào tẩu khẳng định rằng sự bùng nổ mua sắm lan rộng tới nhiều thành phố khác, chứ không chỉ ở Bình Nhưỡng.
Donju nổi lên ngày càng nhiều kể từ khi ông Kim Jong-un lên lãnh đạo đất nước vào cuối tháng 12.2011. Nhà lãnh đạo này đã tiến hành nhiều cải cách, ra lệnh thực hiện nhiều dự án xây dựng, trong đó có khu căn hộ cao tầng, trung tâm mua sắm dưới lòng đất, công viên nước, nhà ga sân bay, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết... “Ông Kim Jong-un rất ủng hộ kinh tế thị trường chính sách của ông ấy về cơ bản là chính sách không can thiệp ôn hòa... Một số nhà tư bản Triều Tiên mà tôi trò chuyện nói rằng họ chưa bao giờ cảm thấy thoải mái như hiện nay”, sử gia Nga chuyên về Triều Tiên Andrei Lankov nhận định với The Washington Post.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.