Lội sông vì cáp treo không an toàn

13/09/2014 03:00 GMT+7

Sau khi phát hiện cáp treo tự chế qua sông Lấp (thôn Xuân Phú, xã Phú Sơn, H.Bù Đăng, Bình Phước) không đảm bảo an toàn, Sở GTVT Bình Phước đã quyết định đình chỉ hoạt động.

* Báo Thanh Niên kêu gọi chung tay hỗ trợ xây cầu qua sông Lấp

 
Ông Tấn đang bơi qua sông sau khi cáp treo tự chế bị đình chỉ - Ảnh: P.H

Tuy nhiên điều đáng lo ngại là do nhu cầu đi lại, nhiều người dân đã chấp nhận... lội sông.

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Lê Trung Tấn (52 tuổi), một người dân sống bên sông Lấp, cho biết: “Đoạn sông này rất nguy hiểm, vào mùa lũ nước chảy xiết hung dữ. Khi chưa có cáp treo, người dân tự bơi qua sông, năm nào cũng có người chết. Nay cắt cáp chúng tôi không biết đi lại bằng gì. Đi đường vòng phải mất hơn 60 km mới đến được trung tâm xã, lỡ nhà hết gạo hoặc có người bị đau ốm thì chẳng biết làm sao”.

Một người dân khác, ông Lê Tấn Lạc (51 tuổi) than thở: “Chính quyền yêu cầu cắt cáp treo nên bây giờ muốn qua sông thì phải bơi thôi. Đàn ông thì còn có sức qua được chứ phụ nữ và trẻ em thì chịu. Vào mùa mưa hoặc khi thủy điện đầu nguồn xả lũ, người dân ở đây bị cô lập hoàn toàn”.

Theo ông Cao Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, do nhu cầu đi lại bức thiết nên 50 hộ dân sống dọc sông Lấp đã có đơn xin hoãn thời gian đình chỉ cáp treo để tìm cách qua lại sông phù hợp hơn. Tuy nhiên, chấp hành chỉ đạo của cấp trên, đoàn kiểm tra của UBND xã vẫn phải yêu cầu ông Lý A Tài dừng hoạt động cáp treo và cam kết không đưa người dân qua sông bằng phương tiện này. “Kiến nghị hoãn thời gian tháo dỡ cáp treo của bà con vượt quá thẩm quyền của xã nên chúng tôi đã đề nghị bà con gửi đơn lên UBND huyện xem xét”, ông Quang cho hay.

Có mặt tại bờ sông Lấp chiều 10.9, PV Thanh Niên ghi nhận toàn bộ hệ thống cáp treo đã được tháo gỡ, một phần đoạn dây cáp lớn còn sót lại trên thân cây trên bờ sông. Đoạn sông rộng khoảng 45 m, sâu 4-5 m. Khu vực này thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng. Năm 2006, để thuận tiện cho việc đi lại qua sông, ông Lý A Tài cùng một số hộ dân khác đã góp tiền tự chế cáp treo. Cáp treo gồm một sợi cáp lớn cột vào thân cây hai bên bờ, một vỏ xe máy gắn với dây cáp bằng ròng rọc, hệ thống dây thừng cột vào vỏ xe cũng gắn ròng rọc. Khi cần qua sông, người dân ngồi hoặc cột hàng hóa vào vỏ xe máy để một người bên kia sông kéo qua. Phí qua sông từ 5.000 - 10.000 đồng/lượt đối với người trong thôn, còn người lạ 15.000 - 20.000 đồng. Bình quân lưu lượng người qua lại hằng ngày khoảng 50 lượt. Vào vụ mùa, số lượng người tăng gấp 2 - 3 lần.

Khi được hỏi chính quyền địa phương có giải pháp gì giúp người dân qua sông thuận lợi và an toàn hơn, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Cao Ngọc Quang nói: “Việc xây dựng một cây cầu ở khu vực này vượt quá thẩm quyền và khả năng của xã. Chúng tôi sẽ kiến nghị UBND huyện sớm xây dựng cầu theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Tuy nhiên, trước nhu cầu đi lại hằng ngày bức xúc của người dân, Báo Thanh Niên tha thiết kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ địa phương để có thể nhanh chóng xây dựng được chiếc cầu tình nghĩa này.

Phước Hiệp

>> Vượt sông như làm xiếc
>> Bỏ tiền túi làm cầu vượt sông Ba
>> Hợp long cầu vượt sông Hồng dài nhất Hà Nội
>> Vượt sóng to đưa bệnh nhân vào đất liền cấp cứu
>> Kéo điện ngầm vượt sông Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.