Cung là một dinh thự theo phong cách kiến trúc Art Deco (Pháp) do điền chủ xứ Gò Công (nay là Tiền Giang) Nguyễn Hữu Hào xây dựng vào năm 1932, khi ông đến Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt) tậu đất lập đồn điền trồng cà phê. Ban đầu dinh thự này mang tên Nguyễn Hữu Hào, sau đó ông tặng cho con gái là Nguyễn Hữu Thị Lan, tức Nam Phương hoàng hậu, nên người Đà Lạt thường gọi là cung Nam Phương hoàng hậu. Cung gồm hai tầng lầu, có diện tích khoảng 500 m2, chưa kể tầng hầm chìm trong lòng đất.
Từ năm 2008, Bảo tàng Lâm Đồng đã trùng tu lại dinh thự này và tiến hành phục dựng, trưng bày nhiều kỷ vật, hiện vật gốc gắn bó với cuộc đời của Nam Phương hoàng hậu như bàn thêu, bàn trang điểm, chiếc giường ngủ, đàn piano; đến các vật dụng gia đình như khay đựng hoa quả, bộ ly và ấm trà mạ bạc..., giúp người xem có thể hình dung đời sống sinh hoạt của gia đình vương triều Nguyễn.
Đào đường hầm bí mật
Trong quá trình phục dựng cung Nam Phương và trưng bày hiện vật, các nhân viên Bảo tàng Lâm Đồng đã phát hiện ngay dưới chân cầu thang tầng hầm có một lối thoát hiểm bí mật. Đường hầm này dẫn ra ngoài khuôn viên thông vào đường hầm kéo dài khoảng 1 km đến dinh 1 Bảo Đại về hướng đông, một nhánh khác tiếp tục xuyên qua nhiều quả đồi để đến dinh 2 cách xa hơn 2 km về hướng tây.
Trong quá trình tìm hiểu về đường hầm bí mật này, PV Thanh Niên may mắn tìm gặp được ông Đào Văn Ơn (81 tuổi, ngụ đường Mạc Đĩnh Chi, TP.Đà Lạt), người chứng kiến việc đào đường hầm từ cung Nam Phương hoàng hậu đến dinh 1 hơn 70 năm trước. Ông Ơn cho biết cha ông là cụ Đào Thức (sinh năm 1900, quê ở Đà Nẵng) vào năm 1928 được người Pháp chiêu mộ vào Đà Lạt làm phu. Một thời gian dài, cụ Thức làm bảo vệ tại nhiều biệt thự của các quan Pháp, sau này cụ học nấu ăn, làm bánh để phục vụ và bán cho người Pháp sống tại Đà Lạt. Cụ Thức có 14 người con, trong đó có 4 người con trai tham gia Việt Minh, gia đình cụ có 2 liệt sĩ chống Pháp. Ông Ơn là con thứ 11 của cụ Thức.
Ông Ơn kể trong Thế chiến thứ 2, Nhật Bản bắt được rất nhiều tù binh của quân Đồng minh và đưa lên Đà Lạt giam giữ. Ông kể: “Khoảng cuối năm 1944, khi tôi 8 tuổi, đứng từ nhà nhìn lên đồi cao gần khu vực cung Nam Phương, thấy nhiều người da trắng, da đen khiêng đất đổ ra cả triền đồi trắng xóa. Qua tìm hiểu, tôi biết đó là những tù binh bị lính Nhật bắt đào hầm xuyên núi”. Việc đào hầm diễn ra khá nhanh, chỉ khoảng 6 - 7 tháng là chấm dứt. Họ đào hầm để tránh bom đạn của quân Đồng minh, lính Nhật lái cả xe hơi chui vào cất trong hầm cho an toàn.
Thời điểm này ông Ơn cũng chứng kiến người Nhật cho đào hệ thống đường hầm dọc đường Trần Hưng Đạo chạy lên dinh 2. Bên triền đồi đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn (ngày nay) có 3 cửa hầm xuyên ra để đổ đất đá xuống thung lũng. Khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, người Pháp tiếp tục chiếm đóng Đà Lạt. Thời gian này, nhiều lần ông Ơn và bạn bè cùng trang lứa đã thắp đuốc đi xuyên đường hầm từ đường Yên Thế qua tận dinh 1 dài hơn 1 km, có những đoạn chui ngang dưới các biệt thự. Ông Ơn nhớ lại: “Đường hầm khá rộng, được cừ bằng đá và gỗ kiên cố, xe hơi 4 bánh có thể chạy thông qua. Trong đường hầm có nhiều đường xương cá thông ra bên ngoài, đó là những cái ngõ để đổ đất đá, đồng thời để lấy không khí”.
Khi người Nhật bại trận, người dân quanh vùng đã chui vào đường hầm lấy gỗ về làm nhà ở. Cụ Phan Khoái (85 tuổi), nguyên cán bộ của Bộ Lâm nghiệp, năm 1976 được đặc phái vào Ty Lâm nghiệp Lâm Đồng (đóng trên đường Yên Thế, Đà Lạt). Cụ Khoái cho biết đã cùng bạn bè vài lần khám phá đường hầm bí mật này. Theo cụ Khoái, cứ một đoạn đường hầm có một ngách lõm sâu vào khoảng 1 m và được lót bằng đá chẻ. Lần khám phá đường hầm đầu tiên, chỉ dám đi đoạn hầm rộng có lót đá bên dưới. Lần sau xuống miệng hầm đối diện nhà số 4 Yên Thế, đi sâu vào trong và xuyên ra được miệng hầm ở lô đất 5 bis hiện nay. Hai miệng hầm này cách nhau gần 200 m, nhưng nay do đất sập đã bít lối thông.
Cụ Khoái cho biết thêm, có ít nhất 2 miệng hầm đã bị người dân xây nhà bít kín, riêng lô đất số 5B Yên Thế vẫn còn một miệng hầm nguyên vẹn được xây bằng đá kiên cố, nhưng nay chủ lô đất đã dựng hàng rào bao quanh nên khó tiếp cận.
Bình luận (0)