Lợi trăm bề từ sản xuất lúa thông minh

03/12/2023 07:20 GMT+7

Những năm gần đây, nhiều DN đã xây dựng mô hình liên kết với nông dân trồng lúa để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn theo nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo VN (Vinarice), cho biết đang liên kết với nông dân tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao trên diện tích 25.000 ha. Gạo được xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như EU, Mỹ với giá bán từ 980 - 1.100 USD/tấn.

Gạo Việt đang khẳng định vị thế trên bản đồ thế giớiẢnh: CÔNG HÂN

Gạo Việt đang khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới

CÔNG HÂN

"Sản phẩm gạo của chúng tôi không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng cao của Mỹ và EU mà còn đáp ứng tiêu chí "xanh hóa" của thị trường và mục tiêu như đề án Chính phủ vừa phê duyệt. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các DN kinh doanh phân bón, cung cấp máy móc thiết bị sản xuất, thu hoạch, chế biến gạo… để hoàn thành chuỗi giá trị. Mới đây, chúng tôi đã được chính quyền tỉnh Đồng Tháp cấp phép xây dựng kho dự trữ giống lúa xác nhận rộng đến 1,1 ha với công suất chứa giống hàng đầu ở ĐBSCL hiện nay. Theo kế hoạch của công ty và cũng thực hiện theo đề án, đến năm 2026 diện tích sản xuất lúa của công ty sẽ được mở rộng lên tới 60.000 ha", ông Tài nói.

Tương tự, trong nhiều năm qua, dự án GroMore (cung cấp giải pháp tổng hợp trong canh tác lúa gạo bền vững) của Công ty Syngenta triển khai ở một số địa phương tại An Giang, Đồng Tháp cũng cho những kết quả tích cực. Theo đó, dự án giúp tăng năng suất trung bình 0,35 tấn/ha, tương đương tăng 6% năng suất, từ đó góp phần tăng lợi nhuận xấp xỉ 5 triệu đồng/ha, tương đương khoảng 40%. Bên cạnh đó hoàn toàn không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang EU và Mỹ.

Đặc biệt, việc áp dụng các quy trình canh tác tại vùng chuyên canh có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính trung bình 5 tấn CO2/ha. Chưa kể với việc quản lý rơm rạ tốt hơn, được thu gom và tái sử dụng không những sẽ không gây tác hại xấu đến môi trường mà còn góp phần gia tăng giá trị. Trung bình 1 tấn lúa tạo ra 0,6 tấn rơm, với giá bình quân 300.000 đồng/tấn rơm sẽ thu được thêm trên 2.000 tỉ đồng/năm nếu đạt tỷ lệ 100% rơm được thu gom và bán ra ngoài.

Ông Phạm Thanh Ca ở ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị (H.Thạnh Trị, Sóc Trăng), chia sẻ ông tham gia mô hình "Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" do Trung tâm khuyến nông Sóc Trăng phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền hướng dẫn thực hiện trên diện tích 3 ha. Đầu tiên là số lượng lúa giống chỉ có 60 kg, giảm đến 40 kg so với bình thường; tương đương số tiền 640.000 đồng (lúa giống 16.000 đồng/kg). Lượng phân bón dùng chỉ 210 kg/ha, giảm 100 kg so với trước, tương đương giảm chi phí đầu tư cho khoản này thêm 2 triệu đồng. Thêm vào đó, giảm tiền thuê nhân công 4 lần bón phân là 1,2 triệu đồng. "Như vậy, cơ bản mô hình sản xuất lúa thông minh đã giúp tôi tiết kiệm chi phí đầu tư 3,84 triệu đồng/ha so với cách sản xuất truyền thống. Nếu bà con toàn xã, toàn huyện, cả tỉnh và cả đồng bằng này cùng áp dụng thì hiệu quả kinh tế sẽ rất lớn", ông Ca tâm đắc.

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo một số DN xuất khẩu gạo khẳng định sẽ đồng hành để ngành lúa gạo đi vào khuôn khổ và sản xuất bài bản, chuyên nghiệp hơn, tuy nhiên vẫn cần đến sự hỗ trợ từ Chính phủ. Ông Trần Trương Tấn Tài góp ý: "DN cần vốn vay ưu đãi ở mức hợp lý ít nhất 3 năm để đầu tư cơ sở vật chất, ổn định sản xuất. Bản thân một DN không thể phát triển và hoàn chỉnh chuỗi sản xuất lúa gạo. Như Vinarice phải liên kết hợp tác với 9 - 10 DN khác từ cung cấp phân, thuốc, máy móc… Chính vì vậy, nhà nước cũng phải xây dựng những tiêu chuẩn, tiêu chí để tạo ra một sân chơi chung để các DN có thể cùng nhau tham gia một cách công bằng, hay nói đúng hơn là tạo được một hệ sinh thái để cùng thực hiện mục tiêu của đề án".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.