Hiệu quả chuyển đổi cây ngắn ngày từ 1,5 - 3 lần so với sản xuất lúa

Thanh Xuân
Thanh Xuân
18/11/2022 14:49 GMT+7

Đó là một trong những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Giang - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang tại hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa" ngày 18.11 do Báo Thanh Niên tổ chức.

Dịch chuyển cơ cấu giống lúa

Hậu Giang là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với lúa là cây trồng chính trên diện tích gieo trồng 190.000 ha, cây ăn trái 44.000 ha và diện tích rau màu tập trung 8.000 ha. Sản lượng lúa 1,2 triệu tấn/năm. Đồng thời, Hậu Giang đã dịch chuyển cơ cấu giống lúa dần từ nhóm chất lượng thấp sang các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Từ năm 2012 có 67,6%, năm 2022, tỷ lệ các giống chất lượng cao chiếm hơn 97%. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận hằng năm trên 75%.

Hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa"

Độc lập

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Hậu Giang cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản lúa gạo. Bên cạnh đó, ngành còn chịu tác động xấu của biến đổi khí hậu, rõ nhất là có những cơn mưa trái mùa, hạn hán, xâm nhập mặn và sâu bệnh ngày càng diễn biến bất thường; các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. Thu nhập người trồng lúa thấp nên đời sống, chất lượng cuộc sống nông thôn rất thấp…

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang

độc lập

Từ những khó khăn đó, Hậu Giang đã xây dựng các mô hình canh tác bền vững, đạt hiệu quả cao, đã nâng cao chất lượng và giá trị nông sản lúa gạo bằng các mô hình như: Xây dựng cánh đồng lớn, các mô hình canh tác bền vững, chất lượng, giảm giá thành sản xuất... Tỉnh cũng tạo điều kiện tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo, hình thành tổ chức kinh tế hợp tác đại diện cho nhiều nông dân thực hiện hợp đồng kinh tế có tính pháp lý và bền vững.

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân trồng lúa mang tính tập trung hơn để giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo, cải thiện thu nhập và đời sống cho người nông dân trồng lúa, góp phần đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả

Hậu Giang đang triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng vùng lúa chất lượng cao trên cơ sở liên kết 4 nhà với các giải pháp như về giống, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp với những dòng gạo chất lượng cao gắn với thị trường cao cấp. Không những xác định cây lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh, Hậu Giang cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác.

Kết quả giai đoạn 2017 - 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 5.542,47 ha chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác (cây hàng năm 485,99 ha, cây lâu năm 2.528,24ha); giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi 19.148,9 ha. Trong đó, 1.529,4 ha chuyển sang cây hàng năm, 3.834,3 ha chuyển sang cây lâu năm, 13.785,2 ha trồng lúa kết hợp thủy sản. Tính đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 10.450 ha, trong đó, 649,2 ha chuyển sang cây hàng năm, 1.572,7 ha chuyển sang cây lâu năm, 8.233,3 ha trồng lúa kết hợp thủy sản.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Giang: “Các diện tích chuyển đổi cây ngắn ngày trên nền đất lúa kém hiệu quả đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa từ 1,5 - 3 lần. Ngoài ra việc chuyển đổi còn giúp ngăn ngừa sự lây lan, lưu tồn của sinh vật gây hại trong đất đồng thời thay đổi phương thức làm đất và sử dụng phân bón giúp cải tạo đất hiệu quả hơn”.

Trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Giang cho hay tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung triển khai các chương trình hành động chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, từng bước phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng; xây dựng và phát triển nông sản chủ lực đạt thương hiệu ở cấp độ thị trường nội tỉnh, vùng miền và xuất khẩu.

Đối với mục tiêu nâng cao chất lượng lúa và tăng diện tích màu tại địa phương, tỉnh Hậu Giang chỉ đạo triển khai quản lý chặt chẽ diện tích đất chuyên trồng lúa để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Mở rộng vùng lúa chất lượng cao 35.000 ha với các khu vực sản xuất tập trung quy mô lớn gắn kết chuỗi giá trị...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.