Sự việc được Báo Thanh Niên phản ánh ngày 6.11 và ngay trong chiều cùng ngày, đơn vị thực hiện quảng cáo của Carlsberg VN đã tháo dỡ 2 pano quảng cáo tại Quảng Nam để chỉnh sửa.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong đợt quảng cáo lần này, Carlsberg VN không chỉ sử dụng chùa Cầu mà còn sử dụng nhiều danh lam thắng cảnh và di sản của miền Trung như Hội An và Huế.
Việc đặt bảng quảng cáo sử dụng hình ảnh cổng cầu Trung Đạo ở hồ Thái Dịch hướng vào điện Thái Hòa (Đại nội Huế), di sản văn hóa thế giới thuộc quần thể kiến trúc cố đô Huế (tại Huế) có phần tinh tế hơn. Tuy vậy hình ảnh lon bia Huda dựng bên phải pano có kích cỡ lớn hơn cả hình ảnh cầu Trung Đạo cũng là chi tiết không phù hợp.
Di sản văn hóa là tài sản của cộng đồng, tài sản quốc gia được gìn giữ không chỉ bằng tình yêu mà còn là niềm tự hào của người dân qua nhiều thế hệ. Chỉ cần một lỗi nhỏ mắc phải khi ứng xử với di sản cũng sẽ chạm đến tình cảm thiêng liêng của cộng đồng và đôi khi còn tạo ra những hiệu ứng ngược với làn sóng phản đối mạnh mẽ mà thiệt hại khó đong đếm được.
Việc doanh nghiệp sử dụng biểu tượng văn hóa để quảng bá cho sản phẩm của mình làm thế nào để không gây phản cảm, đạt được hiệu ứng truyền thông, hiệu quả marketing là một “nghệ thuật” đòi hỏi phải có người giỏi, đủ khả năng thấu thị văn hóa từ khâu ý tưởng đến thiết kế, thực hiện, thẩm định và cấp phép... Vì vậy, dư luận cũng khó đồng tình với cách giải thích của Sở VH-TT-DL Quảng Nam, rằng “đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp quảng cáo nghiên cứu thay đổi hình ảnh quảng cáo nói trên… nhưng đơn vị vẫn chây ì trong suốt nhiều tháng qua”.
Bình luận (0)