London “chảy máu” ngân hàng

28/06/2016 07:15 GMT+7

Việc Anh rời khỏi EU và nguy cơ cánh cửa vào thị trường chung của châu Âu khép lại đã làm nhiều ngân hàng phải cân nhắc khả năng điều chuyển nhân sự khỏi thủ đô London.

Trong cuộc trưng cầu ngày 23.6, có đến 60% cư dân của London bỏ phiếu chống lại Brexit nhưng vẫn không thể thay đổi cục diện. Hơn ai hết, người dân của thành phố này hiểu rõ giá trị của EU đối với tương lai của họ. Theo tờ Ouest France, London là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, vượt qua thành phố New York của Mỹ, với GDP tương đương Na Uy. Một trong những lợi thế để thủ đô Anh đạt được vị thế này chính là sức hấp dẫn của “cửa ngõ” vào thị trường chung EU. Nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng của Mỹ và châu Á đã đặt trụ sở tại London để có được tấm “hộ chiếu” của khu vực, từ đó điều phối hoạt động khắp châu Âu. Khoảng 20% hoạt động của ngành tài chính trên thế giới diễn ra ở thành phố này. Ngược lại, đây cũng là lĩnh vực “huyết mạch”, với 1,25 triệu việc làm, tương đương 1/3 tổng số việc làm tại London.
Hàng trăm ngàn việc làm bị đe dọa
Nhiều lợi thế khác của London nói riêng và nước Anh nói chung cũng đang bị đe dọa. Chẳng hạn, nước này có nhiều trường đại học hàng đầu thế giới, sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của bất kỳ tập đoàn nào. Khi là thành viên EU, sinh viên các nước khác trong khu vực có thể dễ dàng đến Anh học tập và được hưởng mức học phí ưu đãi nhờ các chương trình trao đổi giáo dục hoặc chính sách ưu tiên dành cho giới trẻ khu vực. Những điều kiện này nhiều khả năng sẽ không còn và các sinh viên ưu tú ở châu Âu sẽ phải đắn đo hơn nếu muốn du học ở xứ sương mù.
Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu, ông Jamie Dimon, Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng JPMorgan của Mỹ, đã cảnh báo nếu Brexit thắng cuộc, có thể ngân hàng này sẽ phải chuyển 4.000 việc làm từ London sang nước khác. Tương tự, HSBC cũng cho biết 1.000 việc làm nhiều khả năng sẽ “chảy” từ thủ đô Anh sang thủ đô Paris của Pháp. Đây là những con số đáng kể vì JPMorgan có khoảng 16.000 nhân viên và HSBC có khoảng 5.000 nhân viên ở London. Theo tờ Libération, Tập đoàn kiểm toán PwC (trụ sở chính ở London) ước tính Brexit có thể làm ngành tài chính của Anh mất từ 70.000 - 100.000 việc làm từ nay đến năm 2020.
Các nước EU “trải thảm đỏ”
Thị trưởng London Sadiq Khan hôm qua lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp “đừng hoảng loạn” vì thành phố của ông vẫn là “nơi tốt nhất thế giới để kinh doanh”. Trong giai đoạn trước trưng cầu, ông Khan đã rất nỗ lực vận động bỏ phiếu chọn ở lại với liên minh khu vực nhưng không thể tác động đến sự lựa chọn của người dân ở những thành phố khác.
Sự chao đảo của London chính là cơ hội vàng đối với các thành phố lớn của EU để “trải thảm đỏ” đón nguồn đầu tư và cơ hội việc làm đang e ngại Brexit. Libération dẫn lời bà Valérie Pécresse, Chủ tịch vùng Île-de-France (gồm Paris và các khu ngoại ô), khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp đón những ai muốn đến với châu Âu”. Theo bà Pécresse, vùng Île-de-France hoàn toàn có thể trở thành một “London mới” của ngành tài chính. Hiệp hội Frankfurk Main Finance của Đức thì mở hẳn một chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội với chủ đề được viết bằng tiếng Anh: “Chào mừng đến Frankfurt. Chúng tôi có thể làm gì cho bạn?”. Chủ tịch hiệp hội này Hubertus Väth nhận định: “Chúng tôi cho rằng từ 1,5 - 2% lượng việc làm, tương đương từ 10.000 - 15.000 việc làm trong ngành tài chính ở London có thể chuyển đến Frankfurt trong 5 năm tới”.
Viễn cảnh “siêu nhà nước” EU
Trong thông cáo chung vào ngày 27.6, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault kêu gọi các nước EU cùng củng cố sự hợp nhất về chính trị để đối phó với những thách thức từ Brexit. Thông cáo nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ có những bước tiến để hướng về một liên minh chính trị của châu Âu. Chúng tôi kêu gọi các nước thành viên EU đồng hành với Đức và Pháp trên con đường này”. Theo Đài TVP Info ở Ba Lan dẫn một tuyên bố chung được chuẩn bị cho 2 vị ngoại trưởng, với thị trường chung sẵn có, EU đang muốn hướng về mô hình “siêu nhà nước” với lực lượng quốc phòng chung và các quốc gia thành viên sẽ mất dần quyền kiểm soát đối với quân đội riêng, hệ thống luật hình sự, thuế và tài chính cũng như chính sách quản lý nhập cư. Ý tưởng này trước đây vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.