Hầu hết các trường hợp ngứa lòng bàn tay là không đáng lo ngại. Một số nguyên nhân đơn giản có thể gây ngứa. Chẳng hạn như vào mùa đông, da lòng bàn tay bị khô sẽ dễ gây ngứa, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ngứa lòng bàn tay có thể do khô da, dị ứng hay phản ứng thuốc |
SHUTTERSTOCK |
Nguyên nhân khác là do vô tình chạm phải các loại hóa chất mạnh, dẫn đến dị ứng và ngứa. Đối với những trường hợp này, các loại kem dưỡng ẩm sẽ giúp da tay mau hết ngứa.
Tuy nhiên, nếu kem dưỡng ẩm vẫn không hiệu quả và cơn ngứa kéo dài thì người mắc cần đến bác sĩ da liễu kiểm tra.
Tùy cơ địa từng người mà da tay có thể bị ngứa khi phản ứng với một số hóa chất trong nước hoa, xà phòng, găng tay cao su, chất khử trùng, sản phẩm kháng khuẩn, một số kim loại hoặc thậm chí là bụi. Nếu bàn tay bị ngứa sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng trên, đồng thời kèm theo triệu chứng khó thở thì người mắc cần được chăm sóc y tế ngay. Đây có thể là biểu hiện của dị ứng nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến sốc phản vệ.
Một nguyên nhân khác gây ngứa lòng bàn tay là bệnh chàm. Đây là căn bệnh khá phổ biến. Tại Mỹ, khoảng 10% dân số có bệnh chàm. Biểu hiện của chàm ở lòng bàn tay là đỏ, nứt nẻ và ngứa. Chàm tổ đỉa là loại chàm thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân. Đặc trưng của loại chàm này là có thêm mụn nước.
Phản ứng thuốc cũng có thể gây ngứa lòng bàn tay. Sau khi uống thuốc, nếu cơ thể phản ứng thì sẽ sản sinh ra chất histamine. Chất histamine này sẽ tích tụ ở bàn tay nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên cơ thể, do đó dẫn đến ngứa lòng bàn tay.
Một số loại bệnh cũng gây ngứa lòng bàn tay. Xơ gan ứ mật nguyên phát có thể xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, vàng da, nước tiểu sẫm màu, ngứa lòng bàn tay và nhiều nơi trên cơ thể do tích tụ mật trong gan. Trong một số trường hợp hiếm hoi, đường huyết tăng cao ở người tiểu đường cũng có thể gây ngứa da và lòng bàn tay, theo Healthline.
Bình luận (0)