Bốn mẫu lồng đèn gồm lồng đèn Cá ngư long, Cự giải, Tiến sĩ giấy và Vọng nguyệt đều là những mẫu lồng đèn cổ xưa được phỏng dựng theo hình mẫu từ khoảng 100 năm trước, qua đôi bàn tay khéo léo của hai vợ chồng trẻ, chính là chị Nguyễn Thị Kim Thủy và anh Nguyễn Hoàng Sơn (cùng 31 tuổi), ở quận 3, TP.HCM.
Cặp vợ chồng 8X phỏng dựng lồng đèn cổ xưa từ 100 năm trước
Cùng tốt nghiệp khoa Thiết kế nội thất của Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, cả hai đã tận dụng kiến thức và niềm đam mê, yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc để làm ra hàng trăm chiếc lồng đèn bắt mắt.
Quá trình làm nên những chiếc lồng đèn này cần sự tỉ mỉ và tập trung tuyệt đối từ người nghệ nhân. Mỗi đường nét và các chi tiết đều phải được làm hết sức cẩn trọng. Chị Thủy chia sẻ, có những chi tiết nhỏ như “hạt gạo” chỉ cần chút gió thổi là bay, vì vậy không gian làm việc phải kín gió.
Qua nhiều lần thử đủ các loại vật liệu từ mây, tre, kẽm, chị Thủy chọn sợi trúc để làm khung sườn, các mối nối đều được uốn cong bằng nhiệt.
Bắt tay vào nghiên cứu lồng đèn cổ xưa từ tháng 7 năm 2022, đến nay vợ chồng chị Thủy đã hoàn thiện gần 500 lồng đèn. Trong đó, có khoảng 250 lồng đèn bao gồm lồng đèn bằng giấy gió và lồng đèn Vọng Nguyệt, khoảng 100 lồng đèn Cá ngư long, số còn lại là lồng đèn Cự giải.
Chị Thủy tâm sự, chị tâm đắc nhất với chiếc lồng đèn Cự giải, bởi lẽ để làm nên chiếc lồng đèn này cần đến 2 người làm, 2 ngày công chỉ để ráp phần khung, còn phần dán giấy phải mất hơn 3 ngày làm. Các công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ và kỳ công từ người thợ.
Lồng đèn hot nhất phố Lương Nhữ Học ‘cháy hàng’: Khách nườm nượp tìm mua bắt trend
Mỗi chiếc lồng đèn sẽ có giá dao động từ 385.000 đồng cho lồng đèn cặp Vọng nguyệt và lồng đèn Cá ngư long dài 1,6 mét có giá hơn 7 triệu đồng. Chị Thủy cho biết, làm lồng đèn quanh năm, trước Tết Trung thu khoảng 2 tháng chị đã có nhiều đơn hàng cho riêng mình.
Đồng thời trong quá trình làm, nhiều bạn sinh viên vì niềm đam mê và yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc đã đến góp sức chung với gia đình chị Thủy.
Bình luận (0)