Long đong cà phê Khe Sanh

29/12/2023 07:43 GMT+7

Dù được định danh là một trong những vùng đất sản xuất ra loại cà phê nức tiếng của cả nước, nhưng cà phê Khe Sanh (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn loay hoay xử lý những vướng mắc cố hữu…

ĐƯỢC MÙA THÌ BỊ ÉP GIÁ

Khi vào vụ thu hoạch, vì bức xúc trước tình trạng bị tiểu thương lũng đoạn thị trường, ép giá, khoảng 30 hộ dân trồng cà phê ở các thôn Cợp, Phùng Lâm, Choa của xã Hướng Phùng (H.Hướng Hóa) đã ngừng thu hái và phản ánh tới UBND H.Hướng Hóa.

Long đong cà phê Khe Sanh- Ảnh 1.

Nông dân trồng cà phê ở H.Hướng Hóa

ẢNH: THANH LỘC

Câu chuyện "được mùa mất giá" không phải đến năm nay mới xảy ra ở địa phương có diện tích trồng cà phê lên tới gần 5.000 ha này. Nhưng năm nay bức xúc của người trồng cà phê ở H.Hướng Hóa đã lên đến đỉnh điểm. Trước đó, thông tin từ các hộ dân cho biết thời điểm đầu vụ thì cà phê được thu mua với giá tương đối ổn định, nhưng đến khi vào chính vụ thì giá mua liên tục giảm từng ngày.

Cụ thể, vào đầu vụ, giá cà phê quả tươi tại H.Hướng Hóa có lúc chạm ngưỡng 10.500 đồng/kg. Đến chính vụ, cà phê chín nhiều thì giá lại giảm xuống chỉ còn 7.000 đồng/kg. Người dân địa phương cho rằng các doanh nghiệp (DN) liên tục tự ý thay đổi giá thu mua cà phê, trong khi giá cả chung không biến động.

Trước phản ánh của người dân, UBND H.Hướng Hóa đã tổ chức cuộc họp khẩn với các DN thu mua cà phê để làm rõ nội tình. Ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, cho biết tại cuộc họp, các DN giải thích do đợt vừa rồi mưa nhiều nên cà phê mà người dân thu hoạch bị thấm nước, nhiều quả còn xanh kèm tạp chất nên họ buộc phải giảm giá mua. "Chúng tôi đã chỉ đạo các ngành liên quan thành lập tổ kiểm tra việc thu mua ở các nhà máy, yêu cầu các DN cam kết không thu mua cà phê kém chất lượng và giá thu mua phải niêm yết công khai. Nếu nhà máy, DN nào không chấp hành thì huyện sẽ cương quyết xử lý", ông Thuận nói.

Sau động thái này, giá thu mua cà phê trên địa bàn H.Hướng Hóa đã có tăng nhẹ. Đầu tháng 12, giá cà phê Khe Sanh đã chạm lại ngưỡng 10.500 đồng/kg.

NHÀ MÁY CHẾ BIẾN KHÔNG XỬ LÝ CHẤT THẢI

Còn một câu chuyện gây bức xúc cũng liên quan đến cà phê H.Hướng Hóa, đó là chuyện về các nhà máy chế biến.

Thời gian gần đây, nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH Trung Thắng Phát (tại khóm 1, TT.Khe Sanh, H.Hướng Hóa) đang khiến người dân địa phương lo ngại. Nguyên nhân là trong quá trình hoạt động chế biến cà phê, bụi bẩn, nước thải từ nhà máy phát tán ra môi trường khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Theo người dân phản ánh, việc xử lý nước thải của nhà máy sơ sài, nước chảy ra môi trường gây ô nhiễm.

Long đong cà phê Khe Sanh- Ảnh 2.

Ô nhiễm quanh nhà máy chế biến của Công ty TNHH Trung Thắng Phát do nước thải không được xử lý.

Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND TT.Khe Sanh, cho biết Công ty TNHH Trung Thắng Phát thuê lại cơ sở sản xuất của một đơn vị khác để chế biến cà phê từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, công ty này đã không đầu tư, cải tạo hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động. "Vừa rồi, khi cử tri phản ánh, chúng tôi vào kiểm tra thì thấy 2 hồ lắng của công ty không nạo vét gì cả. UBND TT.Khe Sanh đã có báo cáo gửi UBND H.Hướng Hóa, đề xuất tạm dừng hoạt động của nhà máy, chờ xây dựng hệ thống xử lý nước thải", ông Hữu cho hay.

Ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng phòng TN-MT H.Hướng Hóa, xác nhận hệ thống xử lý nước thải của Công ty Trung Thắng Phát đã xuống cấp, công ty thuê lại nhưng chưa nâng cấp, cải tạo. Các hồ sinh học đáng ra phải lót bạt để tránh việc thẩm thấu ra môi trường, nhưng hiện đang ô nhiễm. Hơn nữa, các hồ này nhiều năm không được vệ sinh, tồn đọng rác thực vật và cả xác động vật. Theo ông Diện, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện và đoàn liên ngành của tỉnh đã nhiều lần kiểm tra hoạt động xả thải của Công ty Trung Thắng Phát. Năm 2021, UBND H.Hướng Hóa đã xử phạt hành chính 80 triệu đồng và yêu cầu công ty phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Phía công ty cũng cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Đáng nói, theo Phòng TN-MT H.Hướng Hóa, trên địa bàn huyện có 7 cơ sở chế biến cà phê nhưng đa số vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.