Nhiều người có lẽ sẽ cảm thấy bản thân vẫn may mắn khi nhìn người đàn ông chống đôi nạng bước chập chững qua
"ATM gạo". Phút chốc, anh lại hướng về nơi đặt những bao gạo với ánh mắt tiếc nuối.
Nhìn dòng người đang xếp hàng chờ trước "ATM gạo" đặt ở Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Anh Ngô Phước Tý (quê Cà Mau, hiện ở trọ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chỉ biết nhìn với ánh mắt buồn tủi. Không phải vì anh đã ổn nên muốn nhường người khác mà bởi bản thân không đủ sức để cầm bao gạo trên tay.
Tình nguyện viên lấy tiền túi giúp người đàn ông chống nạng
Không may mắn như nhiều người, đôi chân của anh sinh ra đã bị tật. Theo bà rời quê hương lên Sài Gòn từ những năm trước giải phóng, cũng từ đó hai chiếc nạng trở thành vật bất ly thân giúp anh di chuyển qua nhiều tuyến đường ở Sài Gòn để bán vé số.
Trong một đêm 8 năm về trước, anh bị xe đụng khi đi bán vé số, việc đi lại đã khó thì nay đến việc ngồi cũng trở nên khó khăn hơn.
“Bữa giờ đi gặp chỗ phát gạo nhiều lắm mà không có lấy được. Vì không đi nổi, chứ không phải chê. Lòng tốt của người ta mà.
Một ký cũng là lòng tốt của bà con, người ta cần thì nữa ký cũng cần nữa. Còn cái này nhiều khi người ta cho 10 ký, 20 ký cũng xách không được”, anh Tý buồn bã nói.
Anh Ngô Phước Tý rong ruổi trên các tuyến đường cùng đôi nạng
|
Cứ bước đi chập chững được vài mét là người đàn ông này phải đứng lại để nghỉ mệt. Anh cũng không thể đứng một chỗ quá lâu vì vết thương do vụ tai nạn vẫn chưa có tiền để chữa dứt điểm. Mỗi ngày chỉ có thể cầm cự bằng thuốc chống hoại tử.
“Ngồi là nó cấn, nó đau, nên hồi đó tới giờ đứng như thế này này. Đứng tầm 5 phút chứ lâu chút xíu là cái chân nó trĩu xuống tê và nặng như ngàn ký”, anh nhìn xuống đôi chân than thở.
Những ngày
cách ly xã hội không
bán vé số, anh cũng không thể ngồi một chỗ mà vẫn ráng rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn và sống nhờ lòng tốt của những người đi đường. Cùng với hi vọng ngày kiếm đủ tiền ăn và tiền mua thuốc uống để vết thương không hành hạ.
Niềm tin vào sự tử tế bên cây ATM gạo Sài Gòn trong ngày đại dịch
|
Những tình nguyện viên đang hỗ trợ ở cây "ATM gạo" biết anh không thể nhận gạo đã tự bỏ một ít tiền túi giúp anh. Anh lặng lẽ bước qua địa điểm phát gạo trước sự thương cảm của nhiều người.
92 tuổi, "còn làm được còn kiếm sống được"
Nhiều người khi biết thông tin phát gạo đã đến từ rất sớm xếp hàng trước địa điểm đặt "ATM gạo" để chờ nhận gạo mang về. Bà Đỗ Thị Lực, làm nghề bán vé số, bị thương tật nên phải sử dụng chiếc xe lăn làm phương tiện di chuyển. Bà cũng
tranh thủ tới sớm để nhận gạo về lo cho cả nhà.
“Cái này cũng ăn được 4 ngày. Ở nhà mấy đứa em cũng tội nghiệp, giờ người ta không cho làm gì hết. Nó ở nhà cũng không làm gì. Trước còn đi bán cũng kiếm được 200 ngàn một ngày, gặp người trúng số họ còn cho thêm tiền, còn giờ ở nhà không ai cho tiền. Không có một đồng bạc nào hết”, bà thở dài.
Những người ngồi xe lăn như bà mỗi khi đến cây "ATM gạo" này đều được ưu tiên nhận những phần gạo đã đóng gói sẵn và được các tình nguyện viên hỗ trợ đưa tận tay hoặc buộc giúp vào phía sau xe.
Bà Lê Thị Ngọc Dung nhận phần gạo 3kg được gói sẵn
|
Bà Lê Thị Ngọc Dung (92 tuổi làm nghề
lượm ve chai, sống một mình) lúng túng vì không biết nhận phần gạo nào. Nghe tình nguyện viên nhắc “lấy phần nào cũng được”, bà mới lấy một túi mang về.
“Ngày thì tôi ở nhà một chút, chiều là đi lượm từ 5 giờ đến khoảng 9 giờ. Tôi không có vô chỗ nào xin hết. Tại tôi nghĩ còn làm được, mặc dù 92 tuổi rồi nhưng mà còn làm được, còn kiếm sống được”, bà cầm phần gạo trên tay, vui vẻ nói.
Do nhiều người đã có mặt từ sớm chờ nhận gạo, ban tổ chức ở đây đã linh động phát gạo sớm hơn dự tính. Đồng thời nhờ sự trợ giúp từ chính quyền nên việc phát gạo diễn ra trật tự và giữ khoảng cánh an toàn cho người tới nhận.
"ATM gạo" này do
trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM phối hợp với doanh nghiệp kêu gọi các mạnh thường quân để phát trong 3 ngày từ 15 đến 17.4 nhằm giúp đỡ những người có
hoàn cảnh khó khăn trong những ngày dịch bệnh.
Bình luận (0)