Lăng kính bạn đọc:

Lòng tốt phải biết đặt đúng chỗ!

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
28/03/2023 06:19 GMT+7

Nhiều bạn đọc đồng tình với việc nên giúp đỡ người khác, nhưng cũng lưu ý lòng tốt phải biết đặt đúng chỗ, để đảm bảo an toàn cho mình và không vi phạm pháp luật.

Như Thanh Niên đã thông tin, theo Bộ Công an, nhiều người cho rằng có người nhờ cầm hộ hàng hóa qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tàu, bến xe là việc làm rất bình thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giúp người khác cầm hộ/vận chuyển hàng hóa có thể sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý rất nặng nề khi hàng hóa đó thuộc danh mục bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Vì thế, người dân khi được nhờ cầm hộ hàng hóa, nhất là cầm hộ qua biên giới, cần phải kiểm tra, xác định rõ hành vi đó có trái quy định của pháp luật không. Trường hợp di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng, cần cảnh giác với những hành vi lạ, bất thường, không nên xách đồ hộ người lạ khi chưa biết rõ về hành lý.

Lòng tốt phải biết đặt đúng chỗ! - Ảnh 1.

Sân bay là đầu mối giao thông cực nhạy cảm, hành khách không nên cầm đồ hộ người lạ

Ngọc Dương

Thực tế, đề nghị của Bộ Công an cũng là những khuyến cáo đã được ngành hải quan và hàng không tuyên truyền đến người dân suốt nhiều năm qua. Thế nhưng, đã có rất nhiều trường hợp hành khách đi máy bay, đặc biệt là đi ra nước ngoài, nhận lời chuyển hộ, cầm giúp đồ qua cửa hải quan hoặc đơn giản là xách hộ hành lý mà không lường trước rằng mình đang tiếp tay giúp các đối tượng phạm tội vận chuyển hàng cấm.

Bộ Công an khuyến cáo: Người dân di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng cần giữ hành lý và giấy tờ tùy thân của mình cẩn thận; có trách nhiệm thông báo với nhân viên an ninh hoặc cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc bị phát hiện hành lý của mình nghi có chứa chất cấm, hàng cấm và hợp tác để xác minh, điều tra làm rõ các yếu tố cố ý hoặc vô ý của hành vi vận chuyển hàng cấm, chất cấm.

Xách hộ, trông hộ hành lý: Ranh giới mong manh giữa lòng tốt và hiểm họa

Hãy luôn tỉnh táo

Khuyến cáo của Bộ Công an được bạn đọc (BĐ) đồng tình. Tuy nhiên, một số cũng nêu băn khoăn, như Du Doan bày tỏ: "Thấy người khác mang vác nhiều mà họ nhờ vả, không giúp làm sao được?". Hay BĐ Công Đức Huỳnh viết: "Chứ không lẽ người già, phụ nữ mang thai đang mang xách nặng, chúng ta lại vô cảm, liệu có ổn không?".

BĐ MinhTrangg7773 băn khoăn: "Chẳng lẽ trợ giúp nhau đã trở thành điều đáng sợ, phải tránh xa đến vậy sao? Con người có phải ai cũng buôn ma túy đâu? Số ít thôi. Còn lại đa số là người tử tế, chính đáng, đàng hoàng"... Dù vậy, cũng chính BĐ này khuyên: "Tuy nhiên, việc cầm hộ, xách hộ cũng phải thận trọng, đề phòng. Cần xem xét, hiểu rõ gói đồ mà mình định cầm hộ là cái gì".

Cùng ý kiến, BĐ Hung Tien cho biết: "Người Việt vốn tốt bụng, thương người, ít tính toán, hay giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng lòng tốt cũng phải đặt đúng chỗ: không vì cả nể, nhẹ dạ mà cầm hộ khi không biết món đồ đó là gì. Đã có nhiều trường hợp tù tội cũng vì "cầm hộ" hàng quốc cấm rồi, phải tỉnh táo!".

"Tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở các con, dù con đã U.40, là tuyệt đối không bao giờ mang vác hộ, xách hộ, hoặc cầm nắm vào bất kỳ đồ vật gì đó của người khác. Khi họ cần giúp thì chỉ cho họ các nhân viên làm việc ở nhà ga, bến xe, sân bay... để nhờ giúp!", BĐ Thiết Hùng nêu kinh nghiệm bản thân.

Đừng đẩy người khác vào trường hợp khó xử

Để không bị khó xử khi có người nhờ cầm hộ, nhiều BĐ cho rằng trước tiên mình cũng đừng nhờ ai xách hộ. BĐ Hoang Tan chia sẻ: "Tôi thấy có người rất lạ: cứ thấy có ai đi đâu đó thì gửi đồ cho họ (dù không thân lắm) nhờ chuyển cho… con cháu của mình, có khi còn "nói khó" để họ chuyển giúp, mà không cần biết chuyện ấy phiền phức đối với người khác như thế nào. Tôi từng bị mấy lần như vậy, rất khó xử. Tất nhiên, về phần mình, tôi dặn người nhà là tuyệt đối không bao giờ gửi, nhờ ai cầm giùm bất cứ thứ gì. Đừng đẩy ai vào thế khó xử! Cần gì gấp thì ra bưu điện hoặc dịch vụ mà gửi, hoặc nhờ shipper gửi hàng".

BĐ T.K.B.K cũng lưu ý: "Khi đã bước ra khỏi nhà với bất cứ lý do gì thì hãy tự quán xuyến và chịu trách nhiệm với hành lý của mình để không phải phiền tới người khác".

BĐ truongsonpham123456 thì nhắc nhở thêm: "Mọi người cũng nên cân nhắc với những trường hợp như người già, người tàn tật, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… ở các nhà ga khi họ nhờ hoặc gửi mình đồ đạc… Đây là những người thường hay được bọn tội phạm để ý, lợi dụng để vận chuyển hàng cấm. Nếu những người này thực sự có nhu cầu, hãy tìm giúp họ nhân viên nhà ga, sân bay, những người có trách nhiệm tới hướng dẫn. Ở nhà ga, sân bay nào tôi cũng thấy có lực lượng này".

* Về quê, biết mình đi máy bay nhanh, nên người hàng xóm nhờ cầm ít đồ cho con cháu ở thành phố. Họ cũng thường giúp đỡ người nhà mình ở quê, nỡ lòng nào mình từ chối? Mà cầm hộ thì giờ lo quá, lỡ mà có gì thì…

Hoài Thi

* Ai nhờ cầm hộ gì thì nhờ, tôi đều nhẹ nhàng mà cương quyết từ chối. Trước hết là để đảm bảo an toàn cho mình, và hơn hết là không vi phạm pháp luật.

T.T.T

** Đã ra khỏi nhà thì các bạn phải biết tự quản lý hành lý của mình, xách không nổi thì mang chi nhiều? Còn nếu gặp tình huống bất khả kháng thì hãy nhờ nhân viên trong sân bay hay bến tàu xe giúp.

Yeu Mot Thoi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.