Mối nguy từ xách hộ hành lý

27/03/2023 04:06 GMT+7

Xách hộ đồ, trông hộ hành lý ở bến tàu, bến xe, sân bay... là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng hiểm họa đằng sau hành động nhân văn này lại khôn lường nếu bị kẻ xấu lợi dụng để làm điều phi pháp.

Không nên xách hộ khi chưa biết rõ hành lý

Bộ Công an vừa giải đáp thắc mắc của người dân về việc nhiều trường hợp nhờ xách, trông hộ hành lý ở bến tàu, bến xe, sân bay... nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra thì phát hiện trong hành lý có hàng cấm như ma túy, cổ vật, động vật hoang dã…

Mối nguy từ xách hộ hành lý - Ảnh 1.

Sân bay là đầu mối giao thông cực nhạy cảm, hành khách tuyệt đối không cầm đồ hộ người lạ

Ngọc Dương

Theo Bộ Công an, nhiều người cho rằng có người nhờ cầm hộ hàng hóa qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tàu, bến xe là việc làm rất bình thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giúp người khác cầm hộ/vận chuyển hàng hóa có thể sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý rất nặng nề khi hàng hóa đó thuộc danh mục bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Vì thế, Bộ Công an đề nghị người dân khi được nhờ cầm hộ hàng hóa, nhất là cầm hộ qua biên giới, cần phải kiểm tra, xác định rõ hành vi đó có trái quy định của pháp luật không. Trường hợp di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng cần cảnh giác với những hành vi lạ, bất thường, không nên xách đồ hộ người lạ khi chưa biết rõ về hành lý.

Xách hộ, trông hộ hành lý: Ranh giới mong manh giữa lòng tốt và hiểm họa

Thực tế, đề nghị của Bộ Công an cũng là những khuyến cáo đã được ngành hải quan và hàng không tuyên truyền đến người dân suốt nhiều năm qua. Thế nhưng, đã có rất nhiều trường hợp hành khách đi máy bay, đặc biệt là đi ra nước ngoài nhận lời chuyển hộ, cầm giúp đồ qua cửa hải quan hoặc đơn giản là xách hộ hành lý mà không lường trước rằng mình đang tiếp tay giúp các đối tượng phạm tội vận chuyển hàng cấm. Cá biệt, có người phải lĩnh án tử hình.

Điển hình là vụ việc xảy ra hồi tháng 4.2017, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử tuyên y án tử hình đối với bị cáo Phạm Trung Dũng (40 tuổi, Việt kiều Úc) về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy". Theo án sơ thẩm, ngày 17.4.2013, Dũng cùng vợ con từ Úc về VN thăm gia đình ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Trong thời gian lưu trú tại VN, một người đàn ông tên Kiên (không rõ lai lịch) nhờ Dũng mang 2 va li về Úc với tiền công là 40.000 đô Úc và Dũng đã nhận lời. Hơn 1 tháng sau, khi Dũng làm thủ tục xuất cảnh về Úc, lực lượng hải quan sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra, phát hiện có 2 gói ni lông chứa gần 3,5 kg ma túy được quấn giấy bạc và ép mỏng vào xung quanh thành 2 va li. Quá trình điều tra và tại các phiên tòa, Dũng khai rằng không hề biết đó là ma túy mà chỉ xách giúp, vận chuyển hộ. Tuy nhiên, Dũng đã không chứng minh được rằng mình vô tội.

Trước đó, Tòa án nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Pimtanatanasuk Kettawan (quốc tịch Thái Lan) tù chung thân cũng về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy". Theo cáo trạng, chiều 20.4.2016, Kettawan nhập cảnh vào VN thì bị lực lượng hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện trong hành lý có chứa chất nghi ma túy giấu trong đế một đôi giày để trong va li. Lực lượng hải quan phối hợp với công an làm rõ số ma túy trong đế giày có trọng lượng 2,4 kg. 

Quá trình điều tra, Kettawan khai nhận làm tài xế và hay tới các sòng bạc tại Campuchia nên quen một người đàn ông gốc Phi tên John. Sau đó John thuê Kettawan vận chuyển hàng hóa từ Nam Phi về Thái Lan. Giữa tháng 4.2016, John đưa Kettawan 500 USD, bay sang Nam Phi. Tại đây, một nhóm người đã đưa cho Kettawan một đôi giày và một chiếc cặp yêu cầu mang về Thái Lan với lịch trình Nam Phi - Qatar - VN - Thái Lan. 

Khi Kettawan quá cảnh ở VN thì bị cơ quan chức năng phát hiện. Mặc dù Kettawan khai không biết ma túy trong đôi giày và trong cặp nhưng Kettawan không chứng minh được người đàn ông đã thuê xách hàng nên bị cáo phải chịu trách nhiệm về lượng ma túy này. Kettawan đã phải trả giá bằng bản án tù chung thân.

Công an TP.HCM lý giải việc trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines

Ranh giới mong manh giữa lòng tốt và hiểm họa

"Vẫn biết tới sân bay không được xách đồ hộ người khác nhưng thật là có những trường hợp rất khó để từ chối. Hôm rồi tôi bay từ TP.HCM ra Hà Nội, tại sân bay Tân Sơn Nhất, thấy một chị gái tay bồng con nhỏ, treo lủng lẳng 2 túi ni lông đồ đạc lỉnh kỉnh bên tay còn lại, phía dưới là chiếc va li size vừa. Loay hoay mãi không lên được thang cuốn để lên khu vực kiểm soát an ninh phía trên lầu, chị này nhờ một số người xách hộ 2 túi trên tay và tự giới thiệu đang đưa con nhỏ về Hải Phòng gặp bố nên không có ai đi cùng. Sau 1 - 2 người lắc đầu từ chối, tôi cũng ái ngại nhưng nhìn tội quá nên đã đến giúp đẩy chiếc va li lên thang cuốn sao cho đúng tầm với của chị ấy, thay vì cầm hộ 2 túi. Giờ nghĩ lại cũng chột dạ, chẳng may lúc đó không suy nghĩ kỹ, cũng cầm giúp túi đồ mà trong đó có hàng cấm thì đúng là làm ơn mắc oán. Riết rồi giờ không biết ra đường có nên giúp mọi người hay không", chị Hải Anh (ngụ Q.3, TP.HCM) chia sẻ.

Câu chuyện của chị Hải Anh cũng là nỗi lòng của rất nhiều người thường xuyên di chuyển qua các sân bay, bến xe hay ga tàu. Đã có hẳn một cuộc tranh cãi "nảy lửa" trên trang diễn đàn nổi tiếng Reddit khi một hành khách phàn nàn rằng tại sân bay ở Mỹ, anh nhờ người phụ nữ không quen ngồi cạnh ở phòng chờ trông hộ hành lý để vào nhà vệ sinh chốc lát nhưng cô ấy lắc đầu từ chối.

Phía dưới bài viết, hàng ngàn bình luận được để lại với hai chiều ý kiến. Một số cho rằng cô gái quá cẩn thận, chỉ cần nhìn giúp hành lý cho chàng trai là được. Đa phần thì chê trách hành khách nam thiếu kinh nghiệm đi máy bay khi nhờ người lạ giữ đồ.

Bộ Công an khuyến cáo

Người dân di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng cần giữ hành lý và giấy tờ tùy thân của mình cẩn thận; có trách nhiệm thông báo với nhân viên an ninh hoặc cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc bị phát hiện hành lý của mình nghi có chứa chất cấm, hàng cấm và hợp tác để xác minh, điều tra làm rõ các yếu tố cố ý hoặc vô ý của hành vi vận chuyển hàng cấm, chất cấm.

Anh T.H, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm trong ngành hàng không, ủng hộ cách từ chối của cô gái. Theo anh H., hiện nay không có bất cứ quy định nào nghiêm cấm hành khách trông giữ hoặc xách hộ đồ cho người khách tại sân bay. Tuy nhiên, khuyến cáo này đã gần như trở thành luật bất thành văn. Các đối tượng tội phạm nguy hiểm thường đánh vào lòng tốt, tâm lý muốn trợ giúp người khó khăn để thực hiện hành vi phạm tội. Việc vào vai người khuyết tật, lợi dụng người già yếu, phụ nữ mang thai hoặc có con nhỏ phải mang vác đồ lỉnh kỉnh hay vờ mang đồ quá cân hòng tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người… là những thủ đoạn thường được vận dụng. 

Mặt khác, chúng có khả năng ngụy trang ma túy và đồ cấm rất tinh vi vào những vật dụng thông thường như khuy quần áo, thắt lưng hoặc đóng thành vỉ như thuốc tân dược… thậm chí bên trong chai nước suối. Do đó, dù có kiểm tra trước, nếu không phải những người có nghiệp vụ thì cũng sẽ rất khó để phát hiện. "Tâm lý người bình thường thấy người khó là muốn trợ giúp, đôi khi không cần người ta mở lời nhờ. Tuy nhiên, trong những trường hợp thế này, từ lòng tốt dẫn đến hiểm họa là ranh giới rất mong manh", anh T.H nói.

Cũng theo anh H., một số sân bay như Nhật, Úc, nếu người quen của bạn là nhân viên hãng bay, nhân viên công an cửa khẩu hay khu vực kiểm tra y tế mà tới đón bạn rồi xách giùm đồ, lấy giùm hành lý thì sẽ lập tức bị tịch thu thẻ làm việc. Chỉ nhân viên phục vụ mặt đất mới có quyền và nhiệm vụ hỗ trợ khách hàng trong những tình huống như vậy. 

Ngay cả việc lấy giúp hành lý từ băng chuyền hành lý ký gửi, nếu không phải nhân viên phục vụ mặt đất thì mọi đối tượng khách sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp hành lý đó có đồ cấm. Đấy cũng là lý do vì sao các hãng hàng không đưa quy định mỗi kiện hành lý ký gửi không vượt quá 23 kg và hành lý xách tay không quá 7 kg. Đây là những con số đã được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo đa số mọi người đều có thể tự xử lý được.

Phải tự mình bảo vệ mình

Theo lời khuyên của các hãng hàng không, trường hợp có người lạ nhờ cầm hộ, xách hộ đồ, hành khách không nên trực tiếp giúp đỡ mà hãy hỗ trợ họ bằng cách liên hệ với những lực lượng nhân viên đang làm nhiệm vụ tại sân bay, có thể là an ninh sân bay, nhân viên hãng bay hoặc nhân viên của công ty phục vụ mặt đất. Thông thường, các hãng hàng không và nhân viên phục vụ mặt đất đều bố trí nhân lực ở khắp các khu vực để hướng dẫn, hỗ trợ hành khách trong trường hợp cần thiết. Họ cũng là những người đã được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ nên sẽ biết cách xử lý tốt nhất trong tình huống có đối tượng xấu cố tình gài bẫy.

Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, đại diện một công ty cung cấp dịch vụ mặt đất đang phục vụ tại 3 sân bay lớn của VN khẳng định trong hợp đồng ký kết với các hãng hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất không có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ hành lý xách tay cho khách hàng. Ngay cả đối với các chuyến bay VIP, nếu trường hợp hành khách cần xách va li hoặc mang túi xách, hãng hàng không sẽ tự phân công nhiệm vụ cho nhân viên của hãng.

"Thực tế, hỗ trợ hành khách là điều mà tất cả các nhân viên phục vụ ở sân bay đều sẵn lòng, nhưng không có quy định bắt buộc họ phải làm việc này. Thực tế, nhân viên làm ở sân bay hay các hãng hàng không đôi khi lại chính là đối tượng hay bị lợi dụng nhất bởi họ thường được qua cổng ưu tiên hoặc có nhiều mối quan hệ, quen biết nhau nên dễ xử lý hàng hóa được nhờ. Có trường hợp họ hàng, người quen nhờ cầm hộ đồ từ nam ra bắc mà sơ sẩy, cả nể là cũng dính bẫy ngay. Vì thế, không chỉ hành khách mà chính các nhân viên công ty dịch vụ mặt đất như chúng tôi cũng được quán triệt tuyệt đối không xách hộ, cầm hộ đồ cho ai tại sân bay. Tốt nhất, mỗi người nên tự nâng cao cảnh giác để bảo vệ mình. Ở sân bay có đầy đủ dịch vụ hỗ trợ hành khách như xe lăn cho người khuyết tật, xe đẩy hành lý… nếu mọi người tuân thủ đúng quy định hành lý thì sẽ hạn chế việc phải nhờ tới sự giúp đỡ của mọi người", vị này nói.

Xem nhanh 20h ngày 26.3: Bà Hàn Ni bị đình chỉ tư cách luật sư | Đập ATM trộm tiền trả nợ

Nhân viên trong sân bay biết phải làm gì để chứng minh chỉ là người hỗ trợ

Không thể yêu cầu hay quy định trong quy chế rằng các nhân viên phục vụ mặt đất, an ninh sân bay, nhân viên ở cảng hàng không hay của hãng bay phải trợ giúp hành khách, nhưng đây là việc rất bình thường, rất tự nhiên. Không chỉ riêng sân bay mà mọi hoạt động kinh doanh mang tính chất dịch vụ, đều phải chủ động hỗ trợ hành khách. Đơn cử, bạn vào một nhà hàng, bạn có thể không nhờ được người lạ xách đồ nặng nhưng nhân viên phục vụ tại nhà hàng chắc chắn sẽ phải chủ động tới hỗ trợ xách đồ cho bạn. Ở sân bay cũng vậy, ở mỗi khâu, mỗi khu vực sẽ có đơn vị riêng để hướng dẫn cũng như trợ giúp hành khách, từ khâu check-in cho tới làm thủ tục an ninh, soi chiếu, qua cửa khởi hành hoặc lên xe buýt, lên máy bay… Mặt khác, không phải tất cả nhưng những vị trí quan trọng tại sân bay đều có hệ thống camera ghi hình. Các nhân viên làm việc tại sân bay sẽ biết phải làm gì để chứng minh mình chỉ là người hỗ trợ, không phải chủ nhân của hành lý mang chất cấm.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Người vận chuyển không biết có ma túy thì không bị truy xét trách nhiệm hình sự

"Vận chuyển trái phép chất ma túy" là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác. Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, nếu biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm. Hiểu cơ bản là: người vận chuyển ma túy cố ý, biết rõ "gói hàng" là ma túy, biết rõ là không được phép vận chuyển nhưng vẫn vận chuyển thì mới cấu thành tội phạm này. Nếu người vận chuyển có bằng chứng về việc không biết có ma túy bên trong thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Luật sư Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty luật Dương Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.