|
Chưa tới 5 giờ chiều mà lớp học Nụ Cười dành cho trẻ em nghèo tại Q.Tân Phú đã chật kín...
Nụ Cười cho trẻ em nghèo
Hôm nay lớp có giờ kể chuyện nên chẳng đứa nào muốn đi trễ. Bé Hiền, 12 tuổi (ba mẹ mất, ở với ông bà ngoại) sẽ kể chuyện Hai Bà Trưng, thằng Minh bán vé số (13 tuổi nhưng vẫn chưa đọc thông) đang nhờ đứa kế bên đọc giùm rồi lẩm bẩm học thuộc lòng để lên kể chuyện Quả dưa đỏ Mai An Tiêm... Mỗi đứa một góc cầm sách lầm rầm đọc như chuẩn bị đi thi. 17 giờ 30, ăn cơm xong, thằng Tuấn xung phong kể chuyện Thánh Gióng. Cũng lạ, con nít đứa nào chẳng hiếu động, ham chơi, vậy mà giờ lại ngồi nghe chăm chú.
Cô giáo Bùi Thị Thanh Tâm cho biết để bọn trẻ thấy học sử cũng vui như chơi, lớp mua sách kể về lịch sử VN bằng tranh để các em dễ đọc. Ai đọc xong, kể lại cho những bạn trong lớp nghe 10 lần sẽ được một bộ đồ võ, 10 lần tiếp được đi Đầm Sen chơi trò chơi miễn phí...
“Sau khi bạn kể, cô giáo sẽ tóm tắt lại câu chuyện, liên hệ với thực tế và đặt câu hỏi (ví dụ khi các em kể về Thánh Gióng, cô giáo sẽ đố tượng Phù Đổng Thiên Vương ở đâu?); ai trả lời đúng cũng được quà. Làm như vậy, học trò, kể cả những đứa chưa biết chữ vẫn có thể học lịch sử một cách dễ dàng”, cô nói.
9 thầy cô (hầu hết đều tốt nghiệp CĐ, ĐH trở lên), mỗi người kèm 3 - 4 em, từ lớp 1 đến lớp 8. Tất cả đều là tình nguyện viên, dạy không lấy tiền. Cũng như Thanh Tâm, Vân, Đẳng, Tích, Điền..., Nguyễn Tấn Thành, HLV đội tuyển karate Q.Tân Phú, buổi trưa đến phục vụ người nghèo tại quán cơm 2.000 đồng, chiều sau khi dạy võ tại Trường Đoàn Thị Điểm lại tất tả chạy sang lớp để dạy miễn phí cho bọn trẻ. “Sống trong môi trường đường phố nhiều bất trắc, tôi muốn dạy bọn nhỏ chút võ để tăng cường sức khỏe và có thể tự vệ khi cần thiết”, anh nói.
Cô Trần Kim Phượng, Phó chủ nhiệm quán cơm Nụ Cười 2, cho biết: “Do thời lượng dạy không nhiều, ngoài việc phụ đạo thêm cho các em học chữ, học võ, chúng tôi mở lớp này chủ yếu dạy các em về đức dục”.
“Cô giáo ơi, đừng về…”
Học trò con nhà nghèo đủ thành phần: bán vé số, lượm ve chai, đứa nào đầu cũng khét nắng, áo quần, tay chân cáu bẩn, đứa mang dép, đứa chân không… Vì thế, lớp học cũng như cái nhà trẻ. Thầy cô suốt buổi cứ phải vừa dạy học vừa phân xử những vụ “kiện tụng” của chúng: “Thầy ơi, thằng Út lấy phấn của con”, “Cô ơi, anh Minh chửi con khùng”…
Con bé Kim Châu, 7 tuổi, nhìn như “thằng” và… phá hơn giặc. Mới tí tuổi đầu, khi bị ba đánh nó đốt nhà, leo lên mái nhà đòi nhảy xuống. Ngày đầu vào lớp biểu dạ không dạ, biểu học cũng không. Thầy kêu vào xếp hàng, nó kênh mặt. Biết gặp phải “ca khó”, thầy cô phạt hai chị em nếu không chịu học chữ thì không được học võ. Thấy các bạn học võ vui quá, ngày hôm sau nó bắt đầu biết dạ, biết khoanh tay xin lỗi mỗi khi làm sai, chịu cầm phấn học viết chữ (dù thỉnh thoảng vẫn còn chửi thề). Quậy phá, ngang ngạnh vậy đó, nhưng khi học tốt, được cô giáo ôm vào lòng vỗ về khen, con bé Kim Châu bật khóc nức nở: “Ba ở nhà đánh, chửi con hoài”. Vừa rồi khi đang học võ, thấy cô giáo về sớm, nó liền chạy ào ra, ôm chặt lấy chân cô mà nài nỉ: “Cô giáo ơi, đừng về...”.
Ngoài sân, ông Lý Quốc Phùng, 63 tuổi, cha của Kim Châu và Phi Hổ, đang ngồi thu lu bên chiếc xích lô đợi chở con về. “Cả nhà tui hiện tạm trú ở Vĩnh Lộc (Bình Chánh). Nghèo quá nên hai đứa nhỏ không được học hành gì, suốt ngày theo mẹ lê la bán vé số nên cũng hư lắm. Mới đi học ở lớp này nửa tháng mà tụi nhỏ ngoan hơn nhiều”, ông cho biết.
Lớp học “5 sao” dành cho trẻ em nghèo do quán cơm 2.000 đồng Nụ Cười 2 (46/22 Nguyễn Ngọc Nhựt, P.Tân Quý, Q.Tân Phú) tổ chức. Lớp dạy thứ ba, năm hằng tuần (sắp tới sẽ tăng thêm thứ bảy), bắt đầu từ 17 giờ, ăn uống trong nửa tiếng rồi học văn hóa đến 19 giờ 15, sau đó sẽ học võ đến 20 giờ 30. Không chỉ được học văn hóa, cung cấp sách vở, bút viết, các em còn được dạy võ, được phục vụ một bữa ăn chiều no, ngon; tất cả hoàn toàn miễn phí. Điều kiện duy nhất để được tham gia lớp học đó là: nghèo. Cha mẹ không cần phải mang giấy tờ chứng nhận hộ nghèo, neo đơn, những tình nguyện viên trong quán sẽ đến trực tiếp để xác minh việc đó. |
Nguyễn Tập
>> Mở lớp học tình thương
>> Ấm áp lớp học tình thương
>> Lớp học tình thương
>> Vào rừng mở lớp học tình thương
Bình luận (0)