Lớp học của Bút Chì

27/04/2014 03:00 GMT+7

Ai cũng mơ về một lớp học “không chấm điểm, không so sánh, không thi cử”, và anh chàng họa sĩ cận thị Bút Chì (tên thật Đỗ Hữu Chí) cũng vậy. Với lớp học “Vẽ kể chuyện”, Chí đã hoàn thành ước mơ của chính mình và mọi học sinh.

 
Lớp học “Vẽ kể chuyện” - Ảnh: V.K.C

Là tác giả của hàng loạt các bìa sách ấn tượng như Bắt trẻ đồng xanh, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Hội hè miên man..., Chí từng giữ vai trò giám đốc sáng tạo của NXB Nhã Nam trước khi học bổng Fulbright “ập” tới vào năm 2011. Năm ngoái, anh hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành truyện tranh (sequential art) và trở về Việt Nam. Nhưng bề dày học vấn trời Tây lại không phải là nguồn gốc để lớp học “Vẽ kể chuyện” ra đời. 

“Ý tưởng về một lớp học thoải mái với những kiến thức ứng dụng đã có từ sau khi mình tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Tôi nghĩ mình hiểu được nhu cầu của các bạn trẻ, vì tôi cũng từng là họ. Sẽ tốt hơn nếu mọi người được học những gì mình mong mỏi hay thích thú”,  Đỗ Hữu Chí tâm sự.

Mất 7 năm để ý tưởng trở thành hiện thực, Chí cũng mất thêm 3 tháng để hệ thống những kiến thức đã thu thập. Lớp “Vẽ kể chuyện” đầu tiên khai giảng vào tháng 9.2013 tại Hà Nội, thổi bay những hoài nghi vào việc “vẽ” và “kể chuyện” của chính những người đăng ký. 

Lớp học của Chí luôn bắt đầu bằng những bài tập khởi động vui nhộn: tự giới thiệu bản thân, những việc mình đã làm trong ngày, nói về công việc mình đang làm và cuối cùng là “kể” những câu chuyện của mình bằng nét vẽ...

Thông qua những bài tập rất ngộ nghĩnh như: vẽ những món bạn đã ăn, vẽ người bạn học đang ngồi đối diện, vẽ không nhìn giấy, vẽ bằng tay trái, vẽ màu nước..., Chí nhấn mạnh vào khía cạnh chân thực, gần gũi đời sống của mỹ thuật và mở ra một không gian sáng tạo hồn nhiên nhất có thể.

Không chỉ bó buộc trong bốn bức tường với những bài giảng về kỹ thuật hay phong cách vẽ, Chí cũng lên thời khóa biểu những buổi ngoại khóa vẽ cho học viên của mình, từ căn bản đến nâng cao. Chí chia sẻ: “Mình luôn thay đổi, làm mới giáo trình, vì dạy đi dạy mãi những gì rập khuôn rất chán. Vẽ cũng như học ngoại ngữ, càng vẽ nhiều thì vốn từ và cách nhìn về thế giới xung quanh càng đa dạng”.

Lớp học “Vẽ kể chuyện” không chỉ có Chí đứng lớp mà còn nhiều khách mời giảng dạy như họa sĩ Thành Phong hay đạo diễn Phan Xi Nê với lý do “để nói về cách kể chuyện dưới góc nhìn nghề nghiệp của họ”.

Hoàn thành chương trình thạc sĩ nhiều người mơ ước tại Mỹ, nhưng Chí cũng thẳng thắn rằng khóa học đó không hẳn là phù hợp với cá tính của anh. “Ở Mỹ, mục đích chính là đào tạo ra nhân sự phục vụ ngành công nghiệp truyện tranh. Các bạn sinh viên cũng rất thực tế, không quá lý tưởng, chọn lọc và rất có hệ thống. Nhưng tôi vẫn muốn làm một cái gì đó “đời” hơn và có vẻ... nên thơ hơn”, Chí nói.   

Lớp học “Vẽ kể chuyện” của Chí đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và đánh thức nhiều tiềm năng mỹ thuật. Chí cũng chia sẻ trong tương lai có thể anh sẽ kết hợp với các học viên để xuất bản hoặc triển lãm các bức vẽ.

Cũng gần giống với nhân vật “thần thánh” Rancho trong bộ phim 3 Idiots (tạm dịch: Ba chàng ngốc) của điện ảnh Ấn Độ, quan niệm của Chí trong sự dạy và học là học vì kiến thức chứ không vì điểm số. Và với các học viên của lớp “Vẽ kể chuyện”, học còn vì niềm vui, cảm hứng, hay đơn giản chỉ là để trân trọng giá trị của những điều... nho nhỏ.

 K.N

>> Khởi động cuộc thi Họa sĩ nhí quốc tế
>> Họa sĩ nhí quốc tế
>> Lớp “họa sĩ nhí” lang thang
>> Ngày hội của họa sĩ “nhí”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.