>> Lớp học đặc biệt
>> Lớp học đặc biệt
>> Lớp học đặc biệt dưới triền đồi
Trên bàn học và bên cạnh hai cô trò là những món đồ chơi nhiều màu sắc. Nét mặt ngơ ngác, ánh nhìn vu vơ, lơ đãng của học trò được cô giáo “đánh thức” bằng âm thanh của tiếng đàn trong trẻo.
Đó là không gian của lớp học dành cho trẻ tự kỷ tại khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội). Hằng ngày có khoảng 20 - 25 trẻ tự kỷ đến “lớp học” này. Các học sinh đến từ nhiều tỉnh thành: Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Nghệ An, Thái Bình... Nhiều bạn đến từ các tỉnh rất xa như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau.
Một giờ học trung bình 35 - 45 phút, được bắt đầu sau khi các cô và trò cùng nhau hoàn thành bài thể dục đầu giờ sảng khoái.
Lớp học cho trẻ tự kỷ thật đặc biệt bởi cô giáo vừa dạy vừa dỗ dành để các bạn nhỏ tiếp nhận được “bài học”. Để giúp trẻ những điều tưởng như rất đơn giản như: biết kéo quần, biết tên gọi của mình, biết dùng ngón trỏ để chỉ đồ vật, biết gõ cửa để vào nhà, biết nói “xin” và “cảm ơn”, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cô và trò.
“Có khi cô đang hướng dẫn cho con thì con lại đứng bật dậy đánh “bốp” vào mặt cô. Có bé giật đồ chơi từ cô rất hồn nhiên. Còn trong giờ học, trò "tè" luôn ra lớp hay "ị đùn" ra ghế thì không hiếm”, cô giáo Phạm Kim Chi - người đã nhiều năm gắn bó với các trò bị tự kỷ chia sẻ. Chìa cánh tay còn vết thâm, cô Chi cười xòa: “Học trò yêu cô nên cấu tay cô để giành đồ chơi”.
Các cô giáo dạy trẻ tự kỷ đều rất kiên nhẫn và dành nhiều yêu thương cho trò của mình. Bạn Minh 4 tuổi với đôi mắt có hàng mi cong được cô giáo xoa hai cánh tay cho đỡ mỏi sau giờ học tích cực. Còn bạn Long với nụ cười tươi được cô Trang khẽ nâng bàn tay hướng dẫn gõ vào bàn phím của chiếc đàn tạo nên những âm thanh tươi vui. Các bạn còn được tham gia học nhóm để củng cố kỹ năng giao tiếp.
Không chỉ các con mà cha, mẹ của các trẻ tự kỷ cũng được tập huấn các bài giảng. Sau 3 tuần con tốt nghiệp lớp học thì cha, mẹ cũng hoàn thành khóa học làm “thầy, cô”.
Theo bác sĩ Thành Ngọc Minh, khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi T.Ư, khoa tiếp nhận can thiệp cho trẻ từ 2 - 4 tuổi bị tự kỷ. Với trẻ lớn hơn, khi đã định hình hành vi, việc “sửa chữa” khiếm khuyết sẽ rất khó khăn. “Cần hành trình lâu dài để giúp đỡ đặc biệt cho trẻ bị tự kỷ. Do đó, khi ở nhà, bố, mẹ sẽ là “thầy, cô” dạy cho trẻ, giúp cho các bé tiếp tục có được những chuyển biến tốt hơn về hành vi, cảm xúc”, bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi T.Ư chia sẻ.
Thanh Niên Online ghi lại một số hình ảnh tại lớp học.
|
Liên Châu - Ngọc Thắng
Bình luận (0)