Ngày 4.5, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Tạ Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Danofarm (xã Quảng Sơn, H.Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cho biết, cuối tháng 3 vừa qua, HTX đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề H.Đắk Glong mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, tơ tằm cho các thành viên trong HTX.
Theo bà Liên, đơn vị chỉ mới tổ chức 2 lớp dạy, nhưng đã có 55 thành viên, là đồng bào các dân tộc M'Nông, Tày, H'Mông sinh sống trên địa bàn xã Quảng Sơn cùng tham gia. "Bà con ai nấy hăng say học dệt. Mới 7 giờ 30 đã bắt đầu, và kết thúc lúc… 21 giờ 30", bà Liên nói.
Chúng tôi thắc mắc nếu học dài như vậy, thì người dân làm gì có thời gian lo chuyện nương rẫy, bà Liên kể: "Cuộc sống của người dân khó khăn lắm. Nhưng đây là nghề truyền thống của bà con Tây nguyên, nên nhiều chị em muốn lưu giữ truyền thống của cha ông. Có người ban ngày đi làm thuê, mãi tới chiều tối mới ghé lớp học. Cũng có trường hợp tạm gác chuyện nương rẫy, giao hết cho… chồng con, để tập trung học dệt".
Hiện HXT Danofarm mở một lớp học tại nhà bà H'Jang (thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn) để dạy dệt thổ cẩm cho người dân M'Nông và Tày; một lớp học khác được mở tại nhà ông Giàng A Lì trong thôn Đắk SNao 2 (xã Quảng Sơn) để dạy nghề cho bà con người H'Mông.
"Tuy chỉ mới mở lớp hơn 1 tháng nay, nhưng đã có một số đoàn khách nước ngoài ghé tham quan, giao lưu với bà con trong HTX. Sắp tới, chúng tôi sẽ tìm đầu ra cho sản phẩm dệt. Vừa bảo tồn nghề truyền thống, vừa tạo công ăn việc làm cho chị em người dân tộc thiểu số", bà Liên nói thêm về hướng phát triển.
Ngoài việc học dệt thổ cẩm, những thành viên trong HTX đã hoặc đang chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp của mình. Họ nói không với phân thuốc hóa học. Trồng đa canh và xen cây rừng vào rẫy cà phê, hồ tiêu đã có sẵn. Mục tiêu hướng đến là bảo vệ chính sức khỏe người trồng và cả khách hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trước đó, Bộ VH-TT-DL đã đưa nghề dệt của người M'Nông (tỉnh Đắk Nông) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo thống kê, Đắk Nông là tỉnh có cộng đồng dân cư gồm 40 dân tộc cùng sinh sống. Hiện trên địa bàn có 895 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm, trong đó: nghệ nhân người dân tộc M'Nông có 647 người, dân tộc Mạ 66 người, Ê Đê 80 người, Dao 25 người, Thái 20 người… Sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại (vòng tay, vòng cổ, giỏ xách, chăn, áo, váy, khố), tất cả đều có bản sắc riêng.
Bình luận (0)