"Duyên" nghề
Trước khi trở thành cô giáo của đám trẻ nhỏ cùng thôn, cuộc sống của chị Sinh là những chuỗi ngày khó khăn vì mặc cảm và bệnh tật. Sinh ra trong một gia đình đông con, biến cố xảy đến khi năm hơn 2 tuổi chị mắc bệnh viêm cơ.
Dù đã cố hết sức chạy chữa, chân phải của chị cứ teo dần và ngắn hơn chân trái, khiến chị đi khập khiễng, chiều cao chỉ bằng một đứa trẻ. Vì khiếm khuyết hình thể này, những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường là cơn ác mộng với chị Sinh.
"Khi còn đi học, tôi hay bị bạn bè trêu chọc, gọi với cái tên "kăng-gu-ru" hay "con thỏ", chị Sinh kể.
Tuy vậy, vượt qua nghịch cảnh, chị Sinh đã vươn lên trong học tập với thành tích nhiều năm liền là học sinh giỏi, được thầy cô và bạn bè quý mến. Nhưng hết lớp 12, chị phải dừng việc học, bắt đầu kiếm tiền bằng nghề may vá để trang trải cuộc sống hằng ngày. Tưởng rằng đây sẽ là công việc gắn bó dài lâu thì bỗng một ngày, cuộc đời chị bước sang trang mới.
Khi ấy, trong xóm có một số gia đình hoàn cảnh khó khăn, có 2 - 3 cháu đến trường nhiều năm mà vẫn không biết chữ, không hòa nhập cộng đồng nên nhà trường cho nghỉ học. Biết Sinh trước đây là học sinh giỏi của thôn, gia đình các cháu đã đến nhờ cậy chị kèm cặp cho con em họ. Đồng cảm với hoàn cảnh của các em, chị Sinh nhận dạy kèm miễn phí, không biết rằng đây chính là những viên gạch đầu tiên cho lớp học của cô giáo "tí hon" sau này.
Nhớ về ngày đầu mở lớp, chỉ có 2 - 3 trẻ, là những em có hoàn cảnh khó khăn và chậm phát triển, chị Sinh cho biết, với sự kiên trì, sau một thời gian, các em đã biết đọc, biết viết, biết làm toán. "Rồi người nọ, người kia giới thiệu, ngôi nhà nhỏ của tôi trở thành một lớp học tình thương. Bây giờ đã lên tới 64 em", chị Sinh chia sẻ.
Từ lớp học miễn phí dành cho vài em nhỏ, cô giáo Dương Thị Sinh đã trở thành người mẹ thứ hai của 64 học sinh, trong đó nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhờ sự tận tâm cùng phương pháp giảng dạy phù hợp, học sinh của chị Sinh đều có tiến bộ vượt bậc.
"Tiếng lành đồn xa", lớp học của chị ngày càng được nhiều phụ huynh biết đến, gửi gắm con em mình. Để có thời gian dạy kèm các em, chị Sinh chia 4 ca 1 ngày, từ thứ hai đến chủ nhật, để 64 em với nhiều lứa tuổi đều được học và mỗi em được học ít nhất 3 buổi/tuần. Những học sinh chậm phát triển ở mức độ nặng, 1 tuần sẽ được cô Sinh dạy 5 - 7 buổi. Kinh phí để duy trì lớp học được cô Sinh chắt chiu từ nguồn tiền trợ cấp 1,1 triệu đồng/tháng dành cho người khuyết tật và thu nhập có được từ làm nghề may vá.
Thắp sáng ước mơ đến trường của nhiều em nhỏ
Không phải mọi chuyện cứ thế mà bình lặng trôi qua. Chị Sinh cho hay, thực tế có không ít ngày tháng chịu nhiều áp lực khiến chị muốn từ bỏ, như thiếu tiền mua sách bút cho các em. Nhiều "ca khó", nhất là với những em chậm phát triển, làm đôi lần chị cảm nhận rõ sự bất lực của bản thân.
"Không phải bạn nào khi đến lớp cũng chấp nhận cô, nhiều em đã chống đối. Bảo em ngồi vào bàn nhưng không chịu, cứ đứng giữa lớp, không hợp tác", chị Sinh nhớ lại.
Thế rồi, bằng yêu thương và sự kiên nhẫn, chị đã vượt qua mọi trở ngại, tìm cách tiếp cận các em, gieo chữ cho những đứa trẻ lẽ ra đã đi bên lề cuộc sống ấy.
"Tôi đến với các con bằng tình cảm rất tự nhiên. Tôi thấy hình bóng mình trong các con, vậy nên tôi trân trọng. Tôi luôn động viên các con tự tin hơn, gieo niềm tin để các con không nản lòng", chị Sinh xúc động.
Đáp lại tình cảm chân thành, sự tận tụy của cô giáo, các em đã biết lắng nghe, thương quý cô nhiều hơn. Chị Liên, một phụ nữ đơn thân có con học lớp cô Sinh, chia sẻ: "Do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên tôi gửi con gái học thêm ở lớp cô Sinh. Từ ngày được cô Sinh dạy dỗ, đến nay đã 3 năm, cháu đều đạt kết quả cao trong học tập". Hiện, để giúp chị Sinh duy trì lớp học, một số phụ huynh, bà con lối xóm đã quyên góp ủng hộ chị, người góp sách vở, gạo, mắm, người hỗ trợ đôi đồng… để chị lo cho các trò nhỏ.
Từ câu chuyện bản thân, với khát vọng vượt lên số phận, cô giáo Dương Thị Sinh đã giúp nhiều em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Trong điều kiện không dư dả, nhưng bằng tình thương bao la dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chị Sinh không ngại ngần giang tay đón nhận các em, trao cho các em cơ hội bước tiếp trên đường đời. Hiện là mẹ đơn thân nuôi con gái học cấp 2, nhưng chị Sinh vẫn tiếp nhận nuôi 3 cháu nhỏ khó khăn, chậm phát triển.
"May mắn là cùng với trợ cấp ít ỏi cho người khuyết tật, tôi được bạn bè, bà con hàng xóm giúp đỡ để duy trì lớp học miễn phí cho các em nhỏ. Tôi biết, dù thế nào đi chăng nữa cũng phải có cái chữ. Cái chữ là cách duy nhất để các con có thể kết nối với thế giới bên ngoài", chị Dương Thị Sinh nhìn nhận.
Bình luận (0)