Chủ nhân của lớp học miễn phí dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là anh Huỳnh Quang Khải (32 tuổi), hướng dẫn viên (HDV) du lịch tự do.
Bỏ thu nhập cao để toàn tâm lo cho lớp tình thương
Năm 2008, lớp học 0 đồng của anh Khải được hình thành từ Văn phòng Khu phố Phường Hiệp Thành, Q.12 (TP.HCM) và chỉ có vỏn vẹn 10 học sinh. Đó là những đứa trẻ cơ nhỡ phải vất vả mưu sinh từ sớm.
Duy trì được 5 năm, lớp học đành đóng cửa do lịch trình tour du lịch dày đặc của anh Khải.
Tuy nhiên, khi tình cờ gặp lại những học trò cũ lang thang bán vé số trên đường, anh Khải không khỏi xót xa. Thế là, anh quyết định quay về với phấn trắng, bảng đen và chọn khoảng sân trước nhà trong con hẻm đường HT13, P.Hiệp Thành, Q.12 làm nơi dạy học. Anh tự bỏ tiền túi để mua dụng cụ học tập rồi vận động trẻ em nghèo đến lớp.
Phòng học giờ đây đã khang trang hơn xưa và thường xuyên được các nhà hảo tâm tài trợ sách vở, trang thiết bị hiện đại |
nvcc |
Anh Khải kể, lớp học khi đó khá tạm bợ vì chỗ ngồi chỉ là tấm bạt trải trên nền xi măng, sách vở kê trên ghế đẩu và còn phải đốt đèn cầy lên học. Hơn nữa, do lợp mái bằng tôn cũ nên mái cũng mau dột vì mưa bão. Cũng vì vậy mà anh đã tìm cách bắt điện và thay mới mái tôn để bọn trẻ có một nơi học hành tiện nghi.
Về sau, khi số lượng học sinh tăng dần và lên đến hơn 100 em, anh quyết định “tân trang” lớp học. Đây cũng là khi khó khăn bủa vây anh. “Lúc bấy giờ, chi phí vật liệu nằm ngoài khả năng tài chính của tôi. Dù đã chạy vạy vay mượn khắp nơi nhưng vẫn không đủ để xoay xở. Khi đã đắn đo suy nghĩ thật lâu, tôi và vợ đã bấm bụng bán đi số vàng cưới của cả hai để lèo lái lớp qua giai đoạn đó”, anh thổ lộ.
Bên trong lớp học tình thương của anh Huỳnh Quang Khải |
HIẾU KHA |
Gian nan nhiều không kể xiết, anh Khải vẫn không than vãn một lời. “Ngày xưa, tôi có ước mơ làm HDV du lịch quốc tế. Mỗi lần dẫn tour như vậy kiếm được 20-30 triệu đồng là chuyện thường, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ không có thời gian đứng lớp. Cuối cùng, để có thể toàn tâm dìu dắt các em, tôi sẵn sàng gác lại hoài bão đó và chấp nhận làm ở vị trí HDV nội địa”, anh giãi bày.
14 năm qua, anh Khải đã nỗ lực dạy học miễn phí cho những đứa trẻ không có điều kiện đến trường chính quy |
Hiếu Kha |
“Vun tưới” cho gần 50 “mầm non”
Hiện 46 học sinh từ 8-17 tuổi tại lớp anh đều là con của những người lao động nghèo tha hương đến TP.HCM. Buổi sáng, các em sẽ phụ việc gia đình hoặc đi bán vé số, làm phụ hồ, rửa chén cho quán ăn; tối về lại cắp sách đến lớp tình thương Ngọc Việt. Đặc biệt, “học sinh” lớn tuổi nhất của anh Khải là một bác chạy xe ôm truyền thống đã ngoài 60 tuổi.
Giờ đây, mảnh đất phía sau nhà anh Khải đã trở thành không gian lớp học hiện tại, phòng ốc cũng đã khang trang hơn xưa.
Chương trình giảng dạy của anh là hai môn tiếng Việt và toán theo cấp bậc tiểu học. Lớp anh Khải có 90% em không đủ điều kiện đến trường, 5% em thiếu giấy tờ tùy thân, còn lại là những em chậm phát triển. “Với những học sinh có vấn đề về trí tuệ, tôi càng phải kèm cặp sát sao vì những em này gặp trở ngại trong việc ghi nhớ và mất nhiều ngày mới có thể lĩnh hội kiến thức 1 bài học trong khi những em khác chỉ cần một ngày”, anh cho hay.
Lớp học được các nhà hảo tâm đầu tư trang bị thêm máy lạnh, ti vi |
HIẾU KHA |
Về phần tài liệu dạy học, anh sử dụng sách giáo khoa theo chương trình, đồng thời tự mình tỉ mỉ biên soạn thêm cho phù hợp với học sinh. Nếu gặp khó khăn thì anh sẽ nhờ những bạn bè là giáo viên ở trường chính quy giúp đỡ. Thỉnh thoảng một số tình nguyện viên thay anh lãnh nhận công việc “gõ đầu trẻ” những khi anh bận bịu với các tour du lịch.
Hơn một thập niên qua, anh Khải nỗ lực vận động trẻ em nghèo đến lớp |
NVCC |
Mong muốn… "dẹp" lớp
Mỗi năm 1 lần, anh Khải sẽ tổ chức những chuyến đi chơi xa cho học sinh để các em có dịp mở mang tầm mắt về thế giới xung quanh. Để có đủ kinh phí thực hiện, anh Khải còn kiêm luôn việc bán bánh mì chả cá vào mỗi sáng cũng như nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm.
Vào 5 vừa qua, anh đã tham gia chương trình âm nhạc “Hát cho ngày mai” và giành được số tiền thưởng hơn 13 triệu đồng. Nói về điều này, anh chia sẻ: “Lúc đó, tôi đã chi 5-6 triệu đồng để mở tiệc liên hoan cho lớp, còn lại tôi bỏ vào quỹ để lập nên ‘Căn tin 0 đồng’ vì muốn giúp các em có quà vặt ăn thoải mái trong giờ giải lao”. Anh khẳng định gần như mọi số tiền anh kiếm được đều đổ dồn vào việc chăm lo cho đời sống của bọn trẻ.
Với anh, khó khăn lớn nhất ở hiện tại chính là làm sao để thay đổi nhận thức “chỉ cần cho con biết mặt chữ là đủ” của phụ huynh học sinh lớp mình. “Nhiều gia đình chủ yếu muốn con cái sau này cũng sẽ lao động chân tay giống họ. Tôi đã nhiều lần khuyên bảo phụ huynh nên để con em có con đường học vấn xán lạn nhưng tiếc thay, không phải ai cũng nghe theo”, anh ngậm ngùi.
Để bọn trẻ vững vàng tâm lý học hành tử tế và không ai phải “đứt gánh giữa đường” luôn là bài toán mà anh Khải canh cánh trong lòng.
Anh Khải xây dựng mô hình “Căn tin 0 đồng” để phục vụ quà vặt miễn phí cho học sinh trong giờ giải lao |
Hiếu Kha |
Tuy nhiên, điều hạnh phúc nhất của anh trong 14 năm làm “người lái đò” là khi hay tin lứa học trò cũ giờ đây đã nên người và có tổ ấm riêng. “Có nhiều em nhắn tin với tôi bảo rằng em với chồng mới mở một quán ăn, một shop quần áo hay đơn giản là một quán trà sữa nhỏ ven đường. Chỉ bấy nhiêu thôi đã làm tôi mất ngủ vì hạnh phúc”, anh xúc động nói.
Anh bày tỏ, “dẹp” lớp chính là ước nguyện lớn nhất của anh lúc này. Bởi theo anh, chừng nào lớp học còn tồn tại, chừng đó vẫn còn những đứa trẻ không có điều kiện đến trường. Bản thân anh vẫn mong mỏi mình có thể bền bỉ trên hành trình gieo chữ đến khi kiệt cùng sức lực.
Lớp học tình thương Ngọc Việt |
HIẾU KHA |
Từng tham gia dạy học tại lớp tình thương Ngọc Việt hồi tháng 7, chị Huỳnh Như (27 tuổi, nhân viên kế toán tại TP.HCM) cho biết: “Tuy hoàn cảnh gia đình túng thiếu nhưng các em ở lớp anh Khải rất chịu khó học tập. Ngay cả anh cũng rất máu lửa và nghị lực vì luôn hết lòng với học sinh dẫu có lúc bản thân chẳng khá giả gì. Tôi rất cảm kích tấm lòng của anh”.
Là người theo dõi hành trình thiện nguyện của anh Khải, bà Thái Bảo Ngân, Trưởng phòng văn hóa - Thông tin Q.12, cho biết: “Không những dạy các em biết đọc, biết viết, anh Khải còn tạo điều kiện để học trò mình tham gia các hoạt động do địa phương phát động và giúp các em nâng cao kỹ năng sống. Hơn nữa, tôi càng khâm phục khi anh luôn động viên bọn trẻ sau này phải có được một công việc ổn định để nuôi sống bản thân”.
Bình luận (0)