Lũ lịch sử 53 năm qua ở sông Hồng do đâu?

Lũ lịch sử 53 năm qua ở sông Hồng do đâu?

Đình Huy
Đình Huy
29/09/2024 05:40 GMT+7

Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, do bãi sông trên nhiều tuyến sông bị lấn chiếm để khai thác xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng... đồng thời, khi gặp thủy triều cao nên lũ thoát chậm đã gây ra đợt lũ lịch sử ở sông Hồng.

Bão Yagi (bão số 3) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn khi đổ bộ khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng gió vùng tâm bão mạnh cấp 13 - cấp 14, giật cấp 16 - cấp 17. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền Việt Nam.

Lũ lịch sử 53 năm qua ở sông Hồng do đâu?- Ảnh 1.

Lũ sông Hồng lớn nhất trong 53 năm qua

ẢNH: NGUYÊN QUANG

Đặc biệt, hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc bộ và Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố), trong đó 83/84 trạm đo lượng mưa cao hơn 4 - 6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9 (có nơi mưa trên 700 mm).

Do mưa lớn, khu vực miền Bắc xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng (hầu hết các sông vượt báo động 3), trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông (sông Thao, sông Đáy, sông Cầu, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Trà Lý). Tại Hà Nội cũng ghi nhận mực nước sông Hồng cao nhất trong 20 năm gần đây.

Lũ lịch sử 53 năm qua ở sông Hồng do đâu?

Nói riêng về trận lũ lớn, vượt lịch sử ở hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình sau bão số 3, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đánh giá, đây là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình và là "bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong việc khai thác, sử dụng bãi sông".

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do thiên tai, cơ quan này cho rằng, do bãi sông trên nhiều tuyến sông bị lấn chiếm để khai thác xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng... đồng thời, khi gặp thủy triều cao nên lũ thoát chậm, đã gây đợt lũ lớn nhất trong vòng 53 năm trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, nhiều nơi vượt lịch sử.

Lũ lịch sử 53 năm qua ở sông Hồng do đâu?- Ảnh 2.

Khu vực bãi đá sông Hồng (Q.Tây Hồ) biến thành khu vui chơi giải trí cản trở hành lang thoát lũ sông Hồng được Báo Thanh Niên phản ánh tháng 11.2023

ẢNH: ĐÌNH HUY

Cạnh đó, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm của Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3.6.2013 là bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông, trước hết cho sông Hồng, sông Cửu Long, sông Cầu và các sông lớn khác.

Ngoài ra, quá trình đô thị hóa, xây dựng công trình, lấn chiếm làm giảm khả năng thoát lũ các tuyến sông, suối gây ngập úng kéo dài.

"Lũ lớn, đặc biệt lớn xảy ra trên toàn bộ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, tuy nhiên công tác tuần tra canh gác đê, hộ đê tại một số địa phương chưa nghiêm túc, còn chủ quan, lơ là; có nơi chưa xây dựng lực lượng quản lý đê chuyên trách theo quy định của luật Đê điều; tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn biến phức tạp trên các tuyến sông, nhất là sông Lô, uy hiếp đến an toàn đê điều, đã gây sạt trượt thân đê hữu Lô thuộc xã Hùng Long (H.Đoan Hùng, Phú Thọ) khi nước rút", Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai nhấn mạnh.

Cơ quan của Bộ NN-PTNT cũng lưu ý, thời gian xuất hiện lũ lớn, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng còn một số tồn tại, bất cập như: quy định về thời gian mùa lũ không phù hợp, quy định về tích nước sớm, vì nhiều trận lũ lớn đã xảy ra vào thời kỳ lũ muộn như năm 2017, năm 2024 dẫn đến dung tích cắt lũ các hồ chứa không đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du.

Quy định về thẩm quyền và quy trình thực hiện trong tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn hồ chứa chưa cụ thể, dẫn đến lúng túng, thời gian kéo dài trong phối hợp xử lý (như quy định về tình huống khẩn cấp hồ Thác Bà).

Trong thời gian tới, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai sẽ quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc làm gia tăng rủi ro thiên tai.

796 sự cố đê điều

Bão Yagi và ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã khiến 796 sự cố đê điều xảy ra trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố, bao gồm: 104 sự cố sạt lở đê, 47 sự cố đùn sủi, 186 sự cố thẩm lậu, 205 sự cố lỗ rò thân đê, 13 sự cố nứt mặt đê, 80 sự cố tràn đê, 1 sự cố tràn đê cục bộ, 4 sự cố sập tổ mối, 9 sự cố rãnh xói mái đê, 98 sự cố cống, 17 sự cố sạt lở kè, 2 sự cố nứt kè, 26 sự cố sạt lở bờ sông, 1 sự cố vỡ đê. Trong đó có: 433 sự cố trên các tuyến đê từ cấp 3 trở lên; 363 sự cố trên các tuyến đê dưới cấp 3.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.